Mỹ-Trung được gì sau cuộc gặp Trump-Tập tại G20?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau vào ngày 29-6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản. Cuộc gặp được các phương tiện truyền thông đưa tin là có ý nghĩa tích cực nhưng kết quả cụ thể thì còn rất mơ hồ.

Ông Ryan Hass, chuyên gia về Chính sách Đối ngoại của Viện Brookings (Mỹ), đã có một bài phân tích những kết quả chính mà hai bên đạt được sau cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua.

Đối với Bắc Kinh, những kết quả đã đạt được bao gồm:

Không tiếp tục bị đánh thuế. Tổng thống Trump trước đó đã đe dọa sẽ áp thuế đối với khoảng 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc hiện vẫn chưa bị đánh thuế.

Danh sách này bao gồm các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và máy ảnh. Ông Trump cam kết ngưng leo thang thuế quan để làm tiền đề đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại.

Giảm sức ép đối với Huawei. Tổng thống Trump đồng ý rằng các công ty Mỹ có thể bán hàng cho gã khổng lồ viễn thông Huawei trong những lĩnh vực không liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ.

Động thái này của chủ nhân Nhà Trắng có thể gây tổn hại chiến dịch toàn cầu của Mỹ nhằm thúc ép các quốc gia khác cắt đứt quan hệ với tập đoàn Trung Quốc. Nếu ông Trump xem Huawei chỉ như một đòn bẩy đàm phán, chứ không phải mối đe dọa an ninh quốc gia, thì nhiều quốc gia khác cũng sẽ không đặt nặng tính rủi ro về mặt an ninh quốc gia do Huawei đem đến.

Tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại bị bỏ ngõ. Vì một trong những mục tiêu của Trung Quốc là trì hoãn cho đến khi nước này sẵn sàng, Bắc Kinh có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Trump không đưa ra thời hạn cho các cuộc đàm phán.

Bắc Kinh nhận thấy cần phải kéo dài các cuộc đàm phán vì họ đánh giá rằng càng gần kỳ bầu cử tổng thống, ông Trump sẽ càng mong muốn đạt được một thỏa thuận. Bên cạnh đó, ông Trump sẽ có nhiều lý do để ngưng các động thái bất lợi cho Trung Quốc do chúng có thể ảnh hưởng đến bầu không khí đàm phán (như vấn đề Đài Loan, Tân Cương, kiểm soát xuất khẩu…).

Đối xử với sinh viên Trung Quốc tốt hơn. Việc du học sinh Trung Quốc bị giám sát và theo dõi tại Mỹ đã khiến nhiềugia đình mong muốn gửi con cái của họ đến xứ sở cờ hoa du học lo lắng, từ đó dấy lên những làn sóng lo ngại tại Trung Quốc.

Định hướng chiến lược. Khi mà quan điểm của chính giới Mỹ ngày càng trở nên “cứng rắn” với Trung Quốc và xem nước này là đối thủ, Tổng thống Trump đã “tách rời” khỏi các cố vấn hàng đầu của mình và nói rằng “chúng tôi sẽ trở thành đối tác chiến lược”.

FBI nhờ các trường đại học Mỹ theo dõi sinh viên và học giả Trung Quốc .Ảnh: RT

FBI nhờ các trường đại học Mỹ theo dõi sinh viên và học giả Trung Quốc .Ảnh: RT

Về phía Washington, các kết quả chính bao gồm:

Tiếp tục mua nông sản. Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan vừa qua, Trung Quốc đa dạng hóa việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ những nước khác chứ không chỉ của Mỹ.

Điều này khiến chính quyền Trump phải đổ 28 tỉ USD viện trợ cho nạn nhân (nông dân) của cuộc thương chiến nhằm dập tắt sự bất mãn từ họ. Sau cuộc họp ở Nhật, Tổng thống Trump tuyên bố ông Tập đã đồng ý tiếp tục mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ với số lượng không xác định.

Tránh thất bại. Khi nối lại các cuộc đàm phán, cả Trump lẫn ông đều Tập cho thấy cả hai vẫn cam kết theo đuổi các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại. Bởi bất kỳ một sự thất bại nào cũng sẽ làm sứt mẻ hình ảnh của Tổng thống Trump.

Tiếp tục thuế quan hiện có. Mỹ hiện đánh thuế 25% đối với khoảng 250 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng từ tivi đến thực phẩm và quần áo.

Các thành viên của chính quyền Trump tin rằng các mức thuế này tồn tại càng lâu, sẽ càng khiến các công phải chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh việc sản phẩm của họ bị đánh thuế khi vào Mỹ. Và theo logic này, việc càng nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc, khả năng cạnh tranh của Trung Quốc so với Mỹ sẽ càng bị ảnh hưởng.

Trong tương lai gần, các vấn đề cần quan tâm đó là:

Số lượng và sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc mua của Mỹ. Con số này sẽ thể hiện mức độ cam kết của Trung Quốc trong việc thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.

Chi tiết về chính sách bán hàng cho Huawei. Nếu Mỹ tiếp tục duy trì kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm công nghệ cho Huawei dù Tổng thống Trump đã có những bảo đảm mơ hồ về những lĩnh vực “an toàn”, Bắc Kinh sẽ trở nên mất lòng tin vào những tuyên bố tích cực của Tổng thống Trump.

Những tiết lộ công khai về hoạt động của Huawei. Nếu càng có thêm tiếng nói trong chính phủ Mỹ chỉ ra những rủi ro đối với an ninh quốc gia đến từ việc Huawei tham gia hệ thống viễn thông Mỹ, chủ nhân Nhà Trắng càng hẹp đường “cứu” gã khổng lồ Trung Quốc.

Yếu tố ngoại sinh. Ngay cả khi cả hai nhà lãnh đạo mong muốn tiến đến một thỏa thuận thương mại, họ có thể vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong các lĩnh vực khác hoặc các khu vực khác trên thế giới, Ví dụ, căng thẳng về lĩnh vực công nghệ, vấn đề về Đài Loan cũng như quan điểm khác biệt về Iran.

NGUYỆT ÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/mytrung-duoc-gi-sau-cuoc-gap-trumptap-tai-g20-843709.html