Mỹ - Trung kết thúc ngày đàm phán đầu với hy vọng một thỏa thuận nhỏ

Các quan chức cấp cao Mỹ, Trung vừa kết thúc ngày đầu cuộc đàm phán thương mại đầu tiên trong hai tháng qua. Các nhóm đại diện doanh nghiệp tỏ ra lạc quan về các thỏa thuận nhỏ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc trong khoảng 7 giờ tại văn phòng ông Lighthizer gần Nhà Trắng vào ngày 10/10.

“Chúng tôi đã có một cuộc đàm phán rất, rất tốt với Trung Quốc”, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên. Ông nhắc lại kế hoạch gặp ông Lưu tại Nhà Trắng ngày 11/10, được coi là dấu hiệu tốt.

Ông Lưu mỉm cười vẫy tay với các phóng viên trước khi rời văn phòng ông Lighthizer trên chiếc Cadillac màu đen nhưng không trả lời câu hỏi. Hai bên dự định gặp lại nhau ngày 11/10.

Các nhà đàm phán có thể đồng ý với các thỏa thuận cấp thấp về các vấn đề như tiền tệ và bảo vệ bản quyền, dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn tồn đọng những bất đồng, Myron Brilliant, một quan chức của Phòng Thương mại Mỹ nói với Reuters.

“Tôi tin rằng có thể có thỏa thuận tiền tệ trong tuần này. Tôi nghĩ nhờ vậy, Mỹ có thể quyết định hoãn tăng thuế ngày 15/10”.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tươi cười vẫy tay với các phóng viên, bên cạnh Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: Reuters.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tươi cười vẫy tay với các phóng viên, bên cạnh Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump đã khởi đầu cuộc chiến thương mại nhắm vào Trung Quốc với các yêu cầu cải cách sâu rộng về cơ cấu, nhưng Bắc Kinh đã nói không muốn có những thay đổi căn bản về cách vận hành nền kinh tế. Khi được phóng viên hỏi ngày 10/10 liệu ông có sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận nhỏ hơn hay không, ông Trump đã không trả lời và bỏ đi.

Sự leo thang các khoản thuế ăn miếng trả miếng đối với hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ những tháng gần đây đã khiến thị trường tài chính chao đảo và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các cổ phiếu tăng vì sự lạc quan rằng các cuộc đàm phán sắp dẫn đến một thỏa thuận “đình chiến”, với S&P 500 tăng 0,64% và Nasdaq tăng 0,6%.

Trung Quốc “rất chân thành”

Cuộc đàm phán trở nên căng thẳng vào đầu tuần này khi chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen 28 cơ quan an ninh, cũng như công ty công nghệ và giám sát của Trung Quốc về các cáo buộc lạm dụng người thiểu số ở Trung Quốc.

Washington cũng hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc về cùng vấn đề và Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch hạn chế thị thực đối với một số công dân Mỹ.

Các cổ phiếu đã tăng ngày 10/10 vì cho rằng các cuộc đàm phán sắp dẫn đến một thỏa thuận “đình chiến”, với S&P 500 tăng 0,64% và Nasdaq tăng 0,6%. Ảnh: Reuters

Các cổ phiếu đã tăng ngày 10/10 vì cho rằng các cuộc đàm phán sắp dẫn đến một thỏa thuận “đình chiến”, với S&P 500 tăng 0,64% và Nasdaq tăng 0,6%. Ảnh: Reuters

Nhưng ông Lưu nói trên Tân Hoa xã ngày 10/10: “Phía Trung Quốc rất chân thành, sẵn sàng hợp tác với Mỹ về vấn đề thâm hụt thương mại, tiếp cận thị trường và bảo vệ nhà đầu tư”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết ngày 10/10 rằng các nhà xuất khẩu tư nhân đã báo cáo về thương vụ bán 398.000 tấn đậu nành cho Trung Quốc, một trong hàng loạt vụ mua bán kể từ khi Trung Quốc miễn thuế cho một số nhà nhập khẩu đậu nành Mỹ như một cử chỉ thiện chí.

USDA cũng báo cáo các thương vụ bán thịt lợn kỷ lục, bao gồm 18.810 tấn cho năm nay và 123.362 tấn cho năm 2020.

Tạo lòng tin để hoàn tất đàm phán sau này

Mâu thuẫn lớn giữa hai bên đến từ việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt tình trạng trộm cắp trên mạng và chuyển giao công nghệ ép buộc cho các công ty Trung Quốc, hạn chế trợ cấp công nghiệp và tăng cường cho phép công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận sẽ không giải quyết toàn bộ các vấn đề, và có thể để dành tới các cuộc đàm phán có thể có trong tương lai.

“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ ghi bàn quyết định vào tuần này”, ông Brilliant nói trong một cuộc họp báo, theo South China Morning Post. “Đầu tiên, chúng ta cần lòng tin. Đó là mục tiêu chính của tuần này”.

Container hàng Trung Quốc đang cập cảng ở California. Ảnh: AFP.

Container hàng Trung Quốc đang cập cảng ở California. Ảnh: AFP.

Ông Brilliant nói các vấn đề sở hữu trí tuệ đang được thảo luận chủ yếu là các vấn đề “bảo vệ sở hữu trí tuệ thế kỷ 20”, như vi phạm bản quyền và thương hiệu, chứ không phải các vấn đề mới hơn như bảo vệ luồng dữ liệu, mã nguồn phần mềm và dữ liệu thương mại.

Một thỏa thuận tiền tệ có thể đạt được, theo đó Trung Quốc tránh thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại. Thỏa thuận này có thể sẽ tuân theo thỏa thuận được Washington và Bắc Kinh đồng ý vào tháng 2, cũng giống với cam kết của Trung Quốc tại G20, Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho biết.

“Đây sẽ là một điều tích cực và sẽ giúp phía Mỹ dễ dàng ký thỏa thuận hơn”, ông nói với Reuters.

Các quan chức Phòng Thương mại Mỹ nói trong trường hợp lý tưởng nhất, các tiến triển sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile tháng sau, nơi thỏa thuận đầy đủ sẽ được hoàn tất, theo South China Morning Post.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/my-trung-ket-thuc-ngay-dam-phan-dau-voi-hy-vong-mot-thoa-thuan-nho-post1000143.html