Mỹ - Trung khen đàm phán tiến triển đáng kể, chi tiết sắp công bố
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều phát đi những tín hiệu tích cực sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại Thụy Sỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer trả lời báo chí sau cuộc đàm phán, ngày 11/5/2025. (Ảnh: Getty Images).
Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận “tiến triển đáng kể” sau hai ngày đàm phán tại Thụy Sỹ nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng gọi đây là “bước tiến quan đầu tiên quan trọng” hướng tới giải quyết những khác biệt.
Mặc dù không bên nào công bố ngay các động thái vào ngày 11/5, ông He cho biết hai nước đã nhất trí tạo ra một cơ chế cho các cuộc đàm phán tiếp theo, do bản thân ông và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent đứng đầu.
Theo Bloomberg, ông Bessent cho biết Washington sẽ chia sẻ thông tin chi tiết vào ngày 12/5 và ông He hứa sẽ đưa ra một tuyên bố chung.
“Như chúng tôi vẫn nói ở Trung Quốc, nếu các món ăn ngon thì thời điểm không quan trọng”, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Li Chenggang nói với các phóng viên tại Geneva. “Đây sẽ là tin tốt cho thế giới, bất kể thời điểm công bố”.
Nhìn chung, các nhà đàm phán đều tìm cách truyền đạt thông tin tích cực trong các bình luận công khai. Trong khi ông He khen ngợi sự chuyên nghiệp của Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho rằng cuộc xung đột thương mại có thể đã bị đánh giá quá cao.
Trong một lưu ý, ông Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co., nhận xét: “Dù chúng tôi vẫn hoài nghi liệu hai bên có thể thống nhất bất kỳ chi tiết giá trị nào chỉ sau hai ngày đàm phán hay không, rõ ràng là cả hai bên đều đang tìm cách hạ nhiệt tình hình”.
Trước đó, sau khi ngày đàm phán đầu tiên kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải trên mạng xã hội Truth Social một bài viết, trong đó khen ngợi cuộc họp “thân thiện nhưng mang tính xây dựng” giữa hai bên.
“Hôm nay Mỹ đã có một cuộc họp rất tốt với Trung Quốc tại Thụy Sỹ. Nhiều vấn đề đã được thảo luận, hai bên nhất trí nhiều thứ. Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ. Hai bên đã đạt tiến bộ tuyệt vời!!!”, ông Trump viết.
Trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, chủ nhân Nhà Trắng còn gợi ý sẽ hạ thuế quan với Trung Quốc xuống còn 80%, dù trước đó ông phản đối việc giảm thuế quan để mở đường cho các cuộc đàm phán.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên đến đỉnh điểm sau khi Tổng thống Trump nâng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%. Đáp lại, Bắc Kinh tăng thuế quan với hàng hóa Mỹ lên 125%.
Theo Washington, Mỹ đánh thuế Trung Quốc là nhằm giải quyết vai trò của Trung Quốc trong hoạt động buôn bán fentanyl vào Mỹ, thặng dư thương mại hàng hóa khổng lồ của đất nước tỷ dân với Mỹ và các động thái trả đũa của Bắc Kinh sau loạt đòn mở màn của ông Trump.
Cuối cùng, cả hai bên đều phát tín hiệu rằng họ cần phải giảm bớt căng thẳng và các cuộc đàm phán công khai được công bố.
Nỗi lo về những kệ hàng trống rỗng có thể đã góp phần tạo nên tính cấp bách cho các cuộc họp. Ông Trump và các cấp dưới đã nhận được lời kêu gọi từ các giám đốc doanh nghiệp bán lẻ.
Theo Bloomberg, trong các cuộc họp với giới chức cấp cao trong chính quyền, các giám đốc doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng áp thuế quan cao và kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa cũng như cú sốc chuỗi cung ứng tương tự như trong đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách củng cố nền kinh tỷ dân trước các cuộc đàm phán, nhưng dữ liệu chính thức vẫn cho thấy dấu hiệu suy yếu.