Mỹ trừng phạt tổ chức cực đoan ở Israel vì tấn công đoàn xe viện trợ Gaza

Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt một nhóm người Israel cực đoan vì ngăn chặn và gây thiệt hại cho các đoàn xe viện trợ nhân đạo tới Gaza.

Xe tải chở hàng viện trợ di chuyển trên tuyến đường ở miền Trung Dải Gaza ngày 21/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Xe tải chở hàng viện trợ di chuyển trên tuyến đường ở miền Trung Dải Gaza ngày 21/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh Al Jazeera ngày 14/6, nhóm cực đoan nói trên là Tzav 9. Đây là nhóm chuyên tìm cách ngăn chặn các bên hỗ trợ cho Dải Gaza. Chính quyền Mỹ cáo buộc nhóm này cướp bóc và đốt cháy các xe tải viện trợ.

Theo các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt, tài sản của nhóm này ở Mỹ sẽ bị phong tỏa và công dân Mỹ không được tham gia giao dịch với nhóm này. Các biện pháp trừng phạt được áp đặt theo lệnh hành pháp do Tổng thống Joe Biden ban hành nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hình phạt của Mỹ đối với các cá nhân và thực thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Bờ Tây.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố: “Cung cấp hỗ trợ nhân đạo là hoạt động rất quan trọng để ngăn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn và giảm thiểu nguy cơ nạn đói. Chính phủ Israel có trách nhiệm đảm bảo an toàn và an ninh cho các đoàn xe nhân đạo đi qua Israel và Bờ Tây trên đường tới Gaza. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho những hành động phá hoại và bạo lực nhằm vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo thiết yếu này”.

Các biện pháp trừng phạt được công bố một ngày sau khi các cơ quan truyền thông Israel dẫn lời Ủy viên Cảnh sát Israel, ông Kobi Shabtai nói rằng Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir đã khuyến khích ngăn chặn cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ các đoàn xe viện trợ đến Gaza.

Trong nhiều tháng qua, những người Israel cánh hữu đã biểu tình và chặn các con đường để ngăn các chuyến hàng viện trợ đến Gaza, nơi đang bị Israel phong tỏa. Những nỗ lực này đã làm giảm hơn nữa dòng viện trợ rất cần thiết cho Gaza.

Trong những tuần gần đây, người biểu tình đã tăng cường tấn công các đoàn xe, đặc biệt khi đoàn xe đi qua Bờ Tây. Tháng trước, họ đã đốt hai xe tải viện trợ ở khu vực Hebron Hills. Đây là một cuộc tấn công mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng do Tzav 9 gây ra.

Tuần trước, chính quyền Mỹ đã đưa ra lệnh tương tự để trừng phạt Lion’s Den, một nhóm vũ trang của người Palestine.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn từ chối lời làm theo lời kêu gọi trừng phạt các quan chức Israel chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng người Palestine ở Bờ Tây, trong đó có cả ông Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich.

Trong tháng này, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen kêu gọi chính quyền Mỹ sử dụng lệnh hành pháp để trừng phạt ông Smotrich. Ông Van Hollen nói: “Theo quan điểm của tôi, ông Smotrich phải chịu các lệnh trừng phạt theo lệnh hành pháp này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel đã giữ lại các khoản thuế của Chính quyền Palestine và vào tháng 3 và ông tuyên bố 800 ha ở Bờ Tây là đất của nhà nước Israel. Ông Van Hollen nói với tổ chức tư vấn Trung tâm Tiến bộ Mỹ: “Nhân vật này có mục tiêu để Israel tiếp quản toàn bộ Bờ Tây”.

Tổ chức Dân chủ cho Thế giới Arab (DAWN), từng vận động khuyến nghị trừng phạt Tzav 9, đã hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên nhóm này và kêu gọi ông Biden trừng phạt cả các thực thể cá nhân giúp tài trợ cũng như hỗ trợ nhóm này.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Israel đã thực hiện các bước quan trọng trong những tháng gần đây nhằm dỡ bỏ những trở ngại trong vận chuyển viện trợ ở Gaza, nhưng ông thừa nhận nước này có thể và phải làm nhiều hơn nữa”. Ông nói tại một hội nghị viện trợ cho Gaza: “Điều quan trọng là phải tăng tốc độ kiểm tra xe tải và giảm tồn đọng, minh bạch hơn và rút ngắn danh sách hàng hóa bị cấm, tăng thị thực cho nhân viên cứu trợ và xử lý thị thực nhanh hơn”.

Trong khi đó, ở phía Bắc Dải Gaza, nơi nạn đói ngày càng lan rộng, người dân Palestine đang đối mặt với tình trạng thiếu rau củ, trái cây và thịt cá trầm trọng. Điều này có nghĩa là người dân ở Gaza hiện nay chỉ đang sống sót nhờ vào bánh mì.

Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn ở thành phố Jabalia, Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn ở thành phố Jabalia, Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức chính quyền Palestine và nhân viên viện trợ quốc tế cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, quân đội Israel đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thực phẩm tươi sống cho Gaza từ Israel và Bờ Tây. Kể từ sau cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, đây là lần đầu tiên hàng hóa sản xuất bên trong Israel hoặc Bờ Tây được phép đưa vào Gaza. Tuy nhiên, trong các bài đăng trên mạng xã hội, người dân Gaza cho biết các thương nhân đang lợi dụng nhu cầu cao ở Gaza để mua hàng hóa ở Israel và Bờ Tây rồi bán với giá "trên trời".

Dòng viện trợ của Liên hợp quốc tại Gaza đã bị gián đoạn nghiêm trọng kể từ khi Israel triển khai các hoạt động quân sự tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza. Đây là cửa ngõ quan trọng dẫn vào dải đất này từ Ai Cập. Israel đang đứng trước sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế kêu gọi xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Gaza trong bối cảnh nạn đói.

Israel khẳng định nước này không giới hạn nguồn cung cấp nhân đạo cho dân thường ở Gaza, đồng thời chỉ trích Liên hợp quốc trì hoãn hoạt động viện trợ.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo một tỷ lệ lớn dân số Gaza đang phải đối mặt với nạn đói thảm khốc. Ông Tedros cho biết hơn 8.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza đã được chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có 1.600 trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.

Theo cơ quan y tế ở Gaza, kể từ khi cuộc xung đột hiện nay bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, 27 trẻ em ở dải đất này đã tử vong vì suy dinh dưỡng. Cơ quan này cho biết: “Một thảm kịch nhân đạo đang tấn công khu vực phía Bắc Gaza và bóng ma nạn đói đang rình rập”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-trung-phat-to-chuc-cuc-doan-o-israel-vi-tan-cong-doan-xe-vien-tro-gaza-20240615091020076.htm