Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan?
Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng biện pháp thuế quan như một vũ khí chính trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh
Giới chức Mỹ và Trung Quốc hôm 7-11 nhất trí dỡ bỏ các khoản thuế áp lên hàng hóa đối phương trong thỏa thuận "giai đoạn 1" nếu văn kiện này được hoàn tất.
Tuy không đưa ra mốc thời gian cụ thể nhưng Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận hai nước đã đồng ý hủy bỏ thuế quan theo từng giai đoạn. Theo phát ngôn viên bộ này, dỡ bỏ thuế là một điều kiện quan trọng cho bất kỳ thỏa thuận nào, hai bên phải đồng thời hủy bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau để có thể đạt được thỏa thuận "giai đoạn 1".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham sau đó nói với kênh Fox News (Mỹ) rằng Washington "rất lạc quan" về khả năng đạt được một thỏa thuận giúp xoa dịu căng thẳng thương mại kéo dài 16 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với hãng Bloomberg: "Nếu hai bên đạt được thỏa thuận "giai đoạn 1" thì sẽ có một số thỏa hiệp và nhượng bộ thuế quan". Tuy nhiên, cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro lại nói khác khi nhấn mạnh không có thỏa thuận nào lúc này về điều kiện dỡ bỏ các mức thuế hiện hành.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký thỏa thuận trên vào cuối năm nay. Dù vậy, giới phân tích cũng tỏ ra thận trọng khi cảnh báo thỏa thuận vẫn có thể đổ vỡ như từng xảy ra tại những vòng đàm phán trước.
Theo hãng tin Reuters, ông chủ Nhà Trắng sử dụng biện pháp thuế quan như một vũ khí chính trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Do đó, khả năng dỡ bỏ chúng, kể cả theo từng giai đoạn, đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ không ít cố vấn trong và ngoài Nhà Trắng. Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang thúc giục ông Trump chỉ nên dỡ bỏ thuế từng bước theo mức độ tuân thủ thỏa thuận của Trung Quốc.
"Có sự khác biệt giữa một thỏa thuận mơ hồ về việc cắt giảm thuế theo từng giai đoạn với một danh sách các mức thuế cụ thể sẽ được dỡ bỏ dựa trên những hành động của Trung Quốc. Nhưng cả hai bên đều chưa đưa ra một danh sách như thế. Đó là nhiệm vụ tiếp theo" - ông Michael Pillsbury, một học giả về Trung Quốc tại Viện Hudson (Mỹ) kiêm cố vấn Nhà Trắng, nhận định với tờ The New York Times.
Thỏa thuận tạm thời, một khi được hoàn tất và ký kết, được dự đoán sẽ bao gồm cam kết của Mỹ về việc hủy bỏ mức thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15-12 đối với khoảng 156 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Bà Mary Lovely, một nhà kinh tế thương mại tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho rằng thỏa thuận "giai đoạn 1" nếu được ký kết sẽ có lợi cho nông dân và nhà sản xuất Mỹ, nhóm cử tri quan trọng đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nói cách khác, theo bà Lovely, một thỏa thuận như thế có ý nghĩa đáng kể về mặt chính trị và kinh tế đối với ông chủ Nhà Trắng. Theo AP, kinh tế Mỹ đang chịu tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc khi GDP quý III/2019 tăng 1,9%, so với mức 3,1% của quý I/2019.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đã giảm bớt chi tiêu và đầu tư do tình trạng không chắc chắn từ thương chiến. Kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau.