Mỹ - Trung tìm cách 'phá băng' quan hệ

Việc xác nhận hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Mỹ là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trong tháng 11 này được xem là nỗ lực từ cả hai phía muốn tìm cách 'phá băng', cải thiện quan hệ song phương vốn xuống thấp chưa từng thấy thời gian qua.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Washington ngày 27-10

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Washington ngày 27-10

Giai đoạn thấp điểm của quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Nhà Trắng ngày 2-11 thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mỹ trong tháng này. Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Joe Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức tháng 1-2021 được cho là diễn ra khi nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco trong các ngày từ 15 tới 17-11 theo lời mời của người đứng đầu Nhà trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chỉ trực tiếp gặp nhau một lần trên cương vị lãnh đạo cao nhất của hai nước nhân Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia vào tháng 11-2022. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức giữa hai nhà lãnh đạo này.

Có thể nói, cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến trong tháng 11 này giữa Tổng thống Joe Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này trong giai đoạn được cho thấp nhất kể từ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1979. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc dần đi xuống khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy, trở thành đối thủ đáng gờm bậc nhất của Mỹ không chỉ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà trên bình diện toàn cầu.

Nhiều chính quyền Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn cầu.

Washington nhiều năm qua đã tiến hành điều chỉnh chiến lược toàn cầu, tiến hành xoay trục từ trọng tâm châu Âu chuyển dần về châu Á - Thái Bình Dương và nay mở rộng ra Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực rộng lớn này trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh - quốc phòng của Mỹ.

Đi liền với chuyển trọng tâm chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ tiến hành điều chỉnh nhiều chính sách nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đi đôi với đó là thúc đẩy thiết lập các mối quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn, trong đó có Nhóm Bộ tứ “QUAD” (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).

Cùng với gia tăng căng thẳng về chính trị, ngoại giao, giữa Mỹ và Trung Quốc còn liên tục xảy tranh chấp và chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ… Bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đang xói mòn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến hàng hóa Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong nhập khẩu của Mỹ trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chỉ chiếm 13,3% nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, so với mức đỉnh 21,6% thiết lập vào năm 2017. Tỷ trọng hiện tại là mức thấp nhất kể từ mức 12,1% ghi nhận vào năm 2003, thời điểm 2 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sau khi Tổng thống Joe Biden tiếp quản Nhà trắng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn không hạ nhiệt căng thẳng dù có cách tiếp cận “mềm” hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có hàng loạt động thái cứng rắn, tiếp tục duy trì sách lược đối phó với Trung Quốc. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn quyết liệt hơn trong chính sách đối với Trung Quốc khi xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”.

Quan hệ Mỹ - Trung: Cầu vồng sau mưa?

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc lao dốc không chỉ tác động tiêu cực tới hợp tác, lợi ích của chính hai cường quốc này mà còn ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ quốc tế, cuốn không ít quốc gia, khu vực vào vòng xoáy. Trong khi đó, dù có là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc cũng có rất nhiều lợi ích quan trong khác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Với vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói ngày càng quan trọng trong tất cả các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ an ninh - quốc phòng cho tới kinh tế - thương mại, môi trường… cả thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống, Mỹ cũng như Trung Quốc khó có thể ứng phó, giải quyết nếu thiếu tiếng nói chung, sự hợp tác với nhau. “Phá băng”, “cài đặt” lại quan hệ Mỹ - Trung Quốc là những từ bắt đầu được nhắc tới sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Indonesia tháng 11 năm ngoái.

Một trong những tín hiệu đầu tiên về chuyển biến tích cực của quan hệ Mỹ - Trung Quốc là chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6-2026 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của quan chức cấp cao nhất Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden được đánh giá mang tính biểu tượng, cho thấy cả hai bên đều muốn ngăn mối quan hệ song phương quan trọng hàng đầu thế giới rơi sâu thêm vào vòng xoáy nguy hiểm. Chuyến thăm được cho “đặt nền móng cho cuộc đối thoại” ở cấp cao nhất của hai nước.

Chưa đầy một tháng sau chuyến thăm của ông Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế. Lên tiếng tại Trung Quốc, bà Janet Yellen bày tỏ hy vọng, chuyến thăm sẽ “giúp xây dựng kênh liên lạc linh hoạt và hiệu quả” giữa hai bên trong các vấn đề về kinh tế, thương mại.

Đáng chú ý, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong buổi tiếp bà Janet Yellen đã đề cập đến “cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ, một tín hiệu rõ ràng về mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Ông Lý Cường đã nói với Bộ trưởng Tài chính Mỹ một cách đầy hình ảnh: “Khi bà xuống máy bay, cầu vồng đã xuất hiện. Tôi nghĩ điều đó cũng có thể áp dụng cho quan hệ Mỹ - Trung: sau giai đoạn giông tố, chúng ta chắc chắn có thể thấy cầu vồng”.

Mới đây nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trở thành quan chức cấp cao nhất của nước này thăm chính thức Mỹ trong 5 năm qua khi có chuyến công du bắt đầu ngày 27-10 vừa qua. Chuyến thăm được cho nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden này là biểu hiện rõ nét nhất về việc Mỹ và Trung Quốc đang cùng muốn giảm căng thẳng và đối đầu, tìm cách cải thiện quan hệ song phương.

Điều được các nhà quan sát ghi nhận là thời gian gần đây, tất cả phát ngôn từ phía Trung Quốc và Mỹ, từ Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden cũng như của các vị khác trong chính phủ và chính giới hai nước, đều tỏ thiện chí và ôn hòa, đều đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung đối với thế giới, cũng như nêu bật sự cần thiết cần phải thúc đẩy hợp tác song phương. Giới chuyên gia cho rằng, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn mới ôn hòa, hợp tác hơn sau những căng thẳng và bất đồng gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề.

Quan hệ Mỹ - Trung có thể bớt “lạnh giá” hơn sau các chuyến thăm viếng các cấp gần đây, song không phải vì thế mà có thể chuyển biến đáng kể trong một sớm một chiều bởi còn quá nhiều nghi kỵ, bất đồng, cạnh tranh giữa hai bên. Quan hệ hai cường quốc này có “tan băng” hay không và được “cài đặt” lại thế nào, có lẽ sẽ rõ hơn trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-trung-tim-cach-pha-bang-quan-he-post556761.antd