Mỹ tục kết chạ ngày xuân quê Thanh
Kết chạ là mỹ tục lưu truyền từ bao đời nay, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Kết chạ, còn gọi là kết nghĩa, ăn chạ, đi chạ, giao hiếu,... Từ xa xưa, hầu như các làng xã đều có tục kết nghĩa với nhau. Tục kết chạ các làng quê xứ Thanh phổ biến với bốn loại hình đó là: kết chạ cùng chung tín ngưỡng thành hoàng; kết chạ nhằm liên kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất; kết chạ truyền dạy nghề nghiệp và đề cao tình nghĩa giao hòa; kết chạ nhằm liên minh tăng cường sức mạnh để chống lại thiên tai, địch họa; kết chạ giao lưu văn hóa...
Kết chạ thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hoặc thăm chạ cũng vào dịp tiết ấy, nhưng phổ biến các làng chạ kết giao với nhau và thăm hỏi nhau phổ biến vào dịp mùa xuân. Kết chạ là hình thức kết nghĩa mang tính tự nguyện của cộng đồng làng này với cộng đồng làng khác nhằm giúp đỡ, tương trợ nhau trong cuộc sống. Đó là hình thức mở rộng quan hệ, thông qua giao đãi, họ hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn, cùng vươn lên với một mục đích đẹp đẽ và nhân văn.
Kết chạ các làng quê ở tỉnh Thanh rất phong phú nhiều hình, nhiều màu sắc và thể hiện tính nhân văn cao cả. Qua khảo sát các loại hình kết chạ trên đến mỗi làng quê cổ truyền trên đất xứ Thanh cũng đều bắt gặp. Xưa làng Nhồi với các làng ở phường Quảng Thắng (nay thuộc TP Thanh Hóa) kết giao để cung cấp đồ nghề đục đá cho làng Nhồi và ngược lại làng Nhồi cung cấp trục đá, cối đá, vật dụng, bia đá cho các làng Quảng Thắng. Kẻ Rỵ và Kẻ Chè giúp nhau về vật liệu (các loại thừng) phục vụ cho việc đúc đồng, vì vậy dân ca vùng này vẫn truyền lại mối tình thâm giao của làng Kẻ Chè (đúc đồng với Kẻ Rỵ (chắp thừng): “Ai về Kẻ Rỵ nhắn chị hàng thừng/ Trăm chắp, ngàn nối xin đừng quên nhau”.
Các làng sống bên cạnh nhau giúp đỡ nhau lúc công to việc lớn, khi hoạn nạn khó khăn như làng Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) kết giao với làng Nam Ngạn (Đông Sơn xưa, nay thuộc TP Thanh Hóa), người làng Muốt đã cho người đánh hàng chục con trâu bò tốt biếu tặng, giúp cho làng Nam Ngạn có thêm trâu cày. Các làng ven sông Chu thuộc các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa..., làng Hồng Đô (Thiệu Hóa) có nghề dệt nhiễu nổi tiếng, kết chạ với các làng chạ, họ thường giúp đỡ nhau trong việc đắp đê chống lụt, truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải.
Kết chạ phổ biến là làng này kết chạ với làng kia theo nghề nghiệp hoặc những sự kiện lớn xảy ra trong cuộc sống mà các làng cùng có chung hoàn cảnh hoặc cùng có sự chia sẻ, cảm thông. Nhưng cũng có khi một làng lại kết chạ với nhiều làng khác nhau không chỉ ở trong một tổng, một huyện mà có khi kết chạ với nhiều làng khác trong cả một vùng như làng Vân Trai, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy).
Làng Vân Trai xưa có tục kết chạ với nhiều làng khác nhau như: kết chạ với làng Ba Don (Phù Lưu) xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc). Vân Trai giúp đỡ làng nhân lực để sản xuất và bảo vệ mùa màng. Làng Vân Trai kết chạ với làng Cẩm Hoàng, làng Quang Vịnh nay là xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) là những làng ở ngay liền kề. Họ kết chạ cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vất vả và gặp gỡ nhau để thắt chặt hơn tình đoàn kết thân ái. Vân Trai kết chạ với Phú Muông (Mường Trác) làng của đồng bào Mường cổ, nay là xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy), làng Vân Trai cung cấp rau và nhường cho Phú Muông đất trồng ngô, trồng hoa màu, Phú Muông đáp lễ để người Vân Trai vào rừng đốn gỗ làm nhà và kiếm củi. Lang đạo Mường Trác là Trương Công Trích, tham gia phong trào Cần Vương do Cầm Bá Thước lãnh đạo đã được người làng Vân Trai gả gái làng cho ông làm vợ, đến khi giặc Pháp truy lùng, dân làng che chở cho ông thoát khỏi sự lùng sục của kẻ thù. Vân Trai giao chạ với Quang Phác, làng này nay cũng thuộc xã Cẩm Vân, gái làng dưới gả trai làng trên và ngược lại, hàng năm theo ước hẹn Quang Phác mời Vân Trai lên ăn cỗ chạ, cùng vui chơi ca hát và đốt pháo hoa ở nghè Trúc.
Tục kết chạ có chung tín ngưỡng thờ thành hoàng diễn ra khá phổ biến như thờ Ông Bưng, Chàng Ất Đại Vương… và bắt gặp ở các làng thờ thần Độc Cước. Ở miền đồng bằng có làng Thanh Nga (Hoằng Trinh) kết chạ với làng My Du, My Dầu (Hoằng Kim), Bản Định (Hoằng Sơn) huyện Hoằng Hóa; ở miền biển có làng Núi kết chạ với các làng Hội Triều, Cá Lập Thanh Khê, Kẻ Trường huyện Quảng Xương nay thuộc TP Sầm Sơn. Đặc biệt, tục kết chạ giữa làng Vân Trai và làng Phong Ý (xưa thuộc Lỗi Giang, Đa Cẩm) nay là huyện Cẩm Thủy thuộc địa bàn miền núi tỉnh Thanh phản ánh khá đậm nét và đặc sắc, tục kết chạ có điểm chung là cả hai làng đều nằm bên bờ sông Mã, cùng thờ vị thần Độc Cước làm thành hoàng làng. Hàng năm theo lệ tổ chức rước thần và đón tiếp chạ rất long trọng. Kết chạ không chỉ coi trọng về nghi thức tế lễ và đón rước, kết chạ còn giúp đỡ nhau những khi công to, việc lớn. Làng Vân Trai làm nghè và đình thờ thần đều có sự giúp công giúp của các làng chạ. Để có gỗ dựng đền (Cẩm Vân là vùng đất bãi không có rừng) người làng Phú Muông (xã Cẩm Phú) đã đốn gỗ mít, gỗ lim to, dùng trâu bò khỏe kéo tới cung tiến. Chạ Phong Ý chọn gỗ lim để làm những cây cột cái, kết bè gỗ xuôi theo dòng sông Mã tới Vân Trai. Các chạ khác không có gỗ thì giúp công, giúp tiền, thuê thợ đục đẽo, chạm trổ suốt gần 4 tháng; ngày dựng đình, làng Quang Phác, Quang Bằng cử người đến giúp cùng thợ; làng sở tại chỉ lo cơm nước hậu cần cho các chạ đến giúp.
Làng Cẩm Hoàng thuộc xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) được người trong vùng nhắc tới về tình cảm keo sơn, gắn bó, sự cộng cảm, giúp đỡ chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống giữa người dân không chỉ trong làng xã mà sự thân ái đó còn lan tỏa tới các làng chạ khắp vùng. Cẩm Hoàng nằm bên bờ sông Mã, khi xưa là miền đất của giao lưu buôn bán từ xuôi lên ngược và từ ngược về xuôi tấp nập. Chính nơi đây có chợ Quan Hoàng - chợ tình mà nàng Nga mở hội kén chồng để rồi kết duyên cùng Hai Mối làm nên bản tình ca đẹp; cũng vì lẽ đó mà người Mường Đủ (Án Đổ, Thạch Bình, Thạch Thành) quê hương của Nàng Nga đã kết chạ với Cẩm Hoàng nơi Nàng Nga mở chợ. Bởi vậy mà mỗi lần thăm chạ tình nghĩa keo sơn càng thêm gắn bó, dẫu cho: Đường đi lau lách phất phơ/ Tình thâm, nghĩa nặng bao giờ cho quên/ Không đi thì nhớ thì sầu/ Đi ra cách trở Giếng Lau, Eo Dần… Khi làng chạ đến cũng như lúc trở về đều được làng chạ đón tiếp và tiễn đưa nồng hậu, chu toàn. Tình cảm gắn bó anh em giữa hai làng chạ ngày càng son sắc: Cánh hoa vàng, nhị hoa vàng/ Án Đổ lân lý, Cẩm Hoàng vạn niên.
Làng Cẩm Hoàng có tục kết chạ với làng Tây Giai (Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc), làng Vân Trai (Cẩm Thủy)… Với nghĩa tình keo sơn làng chạ, năm 1857, làng Tây Giai làm 3 gian nhà làm đình cung tiến cho Cẩm Hoàng thờ thành hoàng. Năm 1919, làng Cẩm Hoàng xây nghè mới, làng Tây Giai cung tiến nhiều đồ thờ cúng và tượng pháp. Để làng Cẩm Hoàng không phải lội qua các hón nước, dân làng Tây Giai đã đục những tấm đá vuông vức, làm bốn cầu đá cho dân làng Cẩm Hoàng. Tây Giai làm đình, đáp lại tình cảm của làng chạ, người Cẩm Hoàng đã đánh gỗ giúp Tây Giai dựng đình: Cẩm Hoàng đánh gỗ Thung Bô/ Tây Giai kéo đá qua hồ đưa lên...
Thành hoàng làng Cẩm Hoàng là Quản gia Đô bác Trịnh Ra và Long Uyên tôn thần. Hai vị phúc thần này không chỉ riêng Cẩm Hoàng mà cả Tây Giai thờ phụng. Hàng năm, mỗi khi xuân về, làng Cẩm Hoàng tổ chức lễ hội kỳ phúc vào ngày 6-2 âm lịch cũng là dịp mừng đón các làng chạ “nhớ hẹn lại về” với đoàn rước kiệu thờ tưng bừng màu sắc, rộn rã trống chiêng diễu trên đường làng. Lễ vật dâng cúng làng tổ chức cỗ thi, cỗ chay với các loại bánh là sản phẩm nông nghiệp. Sau khi dâng cúng thành hoàng, cỗ được bày ra để thết đãi các làng chạ và mời mọi người cùng thụ lộc.
Trong ngày hội kỳ phúc các làng chạ hân hoan gặp nhau, ôn lại kỷ niệm khó phai, chúc nhau những điều tốt đẹp và hát đối đáp, ngợi ca làng thôn yêu dấu. Mối tình kết giao ấy luôn được ghi nhớ, trong những ngày xuân, họ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp:
… Mùa Xuân xin chúc mọi người
Ấm no hạnh phúc vui tươi rộn ràng
Tây Giai - Án Đổ - Cẩm Hoàng
Tình sâu nghĩa nặng muôn vàn
yêu thương.
Trong những ngày gặp chạ, cũng là ngày húy kỵ của thành hoàng làng, nhiều trò diễn như diễn xướng chèo chải của làng Cẩm Hoàng với hệ thống trò diễn liên hoàn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình gắn với các triều đại Trần - Hồ và Hậu Lê và đã được trình diễn dâng lên các vị thần linh và để làm vui lòng quý chạ. Đáp lại sự thịnh tình của Cẩm Hoàng, các làng chạ cũng mang đến và trình diễn với chạ Cẩm Hoàng nhiều làn điệu múa hát đặc sắc như: hát đúm, hát Trống quân của làng Tây Giai, hát xường, đang của Án Đổ... diễn tả các cung bậc tình cảm của những người dân lao động gắn bó với ruộng đồng, núi sông, con người và cảnh vật nơi đây với những lời ca nồng nàn đắm say, rạo rực. Điệu múa quyện với tiếng trống rộn ràng và những lời hát thiết tha, trầm ấm… làm cho lòng người về thăm làng chạ phấn chấn, xốn xang.
Trong bối cảnh nông thôn mới hiện nay, kết cấu ngày càng đa dạng, quan hệ làng xã ngày càng rộng mở, đa chiều và phong phú; cuộc sống hiện đại thâm nhập và tạo nên nhiều biến đổi của làng xã cổ truyền tác động tới tục kết chạ. Song những giá trị tốt đẹp của tục kết chạ vẫn được duy trì, phát triển trong cuộc sống đương đại gắn với việc kế thừa những mỹ tục này trong việc xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/my-tuc-ket-cha-ngay-xuan-que-thanh/26197.htm