Mỹ tung chiêu gì để làm suy yếu nguồn lực quân sự của Nga?
Mỹ đang gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để làm suy yếu nguồn tiền mà Moskva cần để duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo, việc kiềm chế “xương sống” của nền kinh tế Nga là lĩnh vực xuất khẩu năng lượng sẽ mất nhiều thời gian.
Ông Adeyemo nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn ngày 7/4 rằng Mỹ và các đồng minh còn rất nhiều điều có thể làm và sẽ làm để trừng phạt Moskva nếu Nga không dừng hoạt động tại Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymir Zelensky hôm 7/4 đã kêu gọi các quốc gia ngừng mua dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời tách biệt hoàn toàn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Sau nỗ lực ban đầu nhằm đóng băng tài sản của Nga, Washington và các đồng minh đã công bố những bước gia tăng vào tuần này khi họ tiến gần đến giới hạn của các biện pháp để cấm vận Nga mà không gây tổn thất kinh tế tại nước nhà.
Thứ trưởng Adeyemo cho biết Chính phủ Mỹ đã công bố lệnh cấm công dân Mỹ đầu tư vào vốn cổ phần, nợ và quỹ đầu tư của các công ty Nga nhằm cắt đứt ngành công nghiệp quốc phòng cùng các lĩnh vực khác của Nga khỏi nguồn vốn đầu tư lớn nhất thế giới.
Theo ông, điều này sẽ khiến Nga bị tước đi nguồn vốn cần thiết để xây dựng nền kinh tế cũng như đầu tư vào cỗ máy chiến tranh của mình. Tuy nhiên, giới chức Điện Kremlin khẳng định loạt trừng phạt của Mỹ phương Tây sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến các mục tiêu của Moskva.
Về phần mình, ông Wally Adeyemo cho biết thêm Washington và các đồng minh châu Âu sẽ nhắm mục tiêu vào chuỗi cung ứng quân sự của Nga khi từ chối bán các linh kiện quan trọng được sử dụng trong chế tạo xe tăng, tên lửa, cũng như vắt cạn các nguồn lực của Moskva để duy trì chiến dịch tại Ukraine.
Ông cho rằng tác động của vòng trừng phạt mới nhất sẽ xảy ra ngay lập tức giống như cách họ từng tác động lên nền kinh tế Nga trước đó.
Các quan chức Mỹ ước tính nền kinh tế Nga sẽ giảm 10% trong năm nay và lạm phát đang tiếp cận ngưỡng 20%.
Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã đưa công ty khai thác kim cương Nga Alrosa vào danh sách đen, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trừng phạt công ty đóng tàu hải quân và tàu ngầm United Shipbuilding thuộc sở hữu nhà nước, cùng các công ty con và thành viên hội đồng quản trị liên quan.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng Brian Deese cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng sẽ cấm các giao dịch với tập đoàn United Aircraft Corp - nhà sản xuất máy bay chiến đấu Sukhoi và MiG.
Ông Adeyemo cáo buộc ngành quốc phòng của Nga từ năm 2014 đã thành lập các công ty bình phong để thu mua nguồn cung cấp và vật liệu quan trọng phục vụ mục đích xây dựng quân đội của Moskva. Một số công ty trong số này đã bị trừng phạt vào tháng trước.
Theo quan chức Mỹ, các biện pháp trừng phạt tài chính đã buộc Nga phải chi nhiều hơn từ nguồn doanh thu năng lượng để bảo vệ nội tệ rúp, ảnh hưởng đến nguồn quỹ dành cho chiến tranh.
Sau khi mất 45% giá trị so với đồng USD trong hai tuần đầu tiên phát động chiến dịch tại Ukraine, đồng rúp của Nga đã tăng nhanh về mức trước khủng hoảng nhờ sự kiểm soát vốn hiệu quả của Moskva.
Điều đó cho thấy khả năng Tổng thống Nga đã buộc phải đưa ra lựa chọn giữa hỗ trợ nền kinh tế và đầu tư vào cuộc chiến ở Ukraine.