Mỹ 'tung' đòn mới nhắm vào Nga, ra điều kiện cho Moscow, một công ty Trung Quốc 'dính chiêu'
Ngày 26/1, Mỹ thông báo quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể và cá nhân Nga liên quan xung đột ở Ukraine.
Theo thông cáo báo chí đăng trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) "đang thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm làm suy yếu khả năng Nga tiến hành xung đột với Ukraine”.
Lệnh trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp sửa chữa tàu; cơ sở hạ tầng hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí và những người liên quan việc quản lý các khu vực đã được sáp nhập vào Nga; những thực thể và những người liên quan công ty quân sự tư nhân Wagner.
Cá nhân và 12 thực thể nằm trong diện trừng phạt lần này, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov, người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Rustam Minnikhanov và phu nhân Gulsina Minnikhanova.
Cũng theo văn bản này, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định công ty quân sự tư nhân Wagner là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Trong số các công ty bị nhắm đến trong đợt trừng phạt này có Công ty nghiên cứu công nghệ và khoa học Vũ trụ Changsha Tianyi, công ty Trung Quốc mà Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc đã cung cấp hình ảnh vệ tinh phục vụ hoạt động chiến đấu của Wagner tại Ukraine.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với công ty hàng không Kratol có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bị cáo buộc cung cấp máy bay cho tập đoàn Wagner để di chuyển nhân sự và thiết bị giữa Cộng hòa Trung Phi, Libya và Mali.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các biện pháp trừng phạt mới "sẽ cản trở hơn nữa khả năng của Điện Kremlin" trong việc trang bị cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cũng trong ngày 26/1, phát biểu tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Victoria Nuland cho biết, Washington sẽ ủng hộ khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt Moscow vì các cuộc đàm phán hòa bình và Nga rút quân khỏi Ukraine.
Theo bà Nuland, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng có quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, bình luận về tuyên bố trên, người đứng đầu phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov nói rằng, ông "không thấy Mỹ sẵn sàng đối thoại".
Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Như tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc song phải thẳng thẳn, cởi mở”.