Mỹ từng run sợ trước tên lửa của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh?

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 do Mỹ dẫn đầu, mặc dù đã đánh tan Quân đội Iraq hùng mạnh ở Trung Đông, nhưng tên lửa Scud của Iraq cũng khiến cho Mỹ 'thất điên bát đảo'.

 Tên lửa Scud.

Tên lửa Scud.

Tên lửa Scud: Vũ khí tấn công tầm xa của các nước thế giới thứ ba

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại tên lửa đạn đạo, hình thành thị trường xuất khẩu rất lớn; đặc biệt tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo, rất được ưa chuộng ở các nước thế giới thứ ba.

Trong chiến tranh Iran-Iraq (1981-1988), cả Iraq và Iran, đều đã phóng một số lượng lớn tên lửa Scud vào các thành phố của nhau, nên còn gọi là "Cuộc chiến tranh giữa các thành phố"; gây ra rất nhiều tổn thất cho cả hai bên. Nhưng cũng vì thế, danh tiếng của tên lửa Scud cũng vì thế mà được biết đến.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, danh tiếng của tên lửa Scud lại được mở rộng, và nó hoàn toàn biến thành vũ khí nổi tiếng.

Để phản đòn Mỹ và đồng minh trong chiến dịch Bão táp sa mạc, Iraq đã phóng một số lượng lớn tên lửa Scud, trong đó có 46 tên lửa vào Ả Rập Xê-út và 42 tên lửa vào Israel; điều này đã khiến kế hoạch tác chiến của Mỹ một thời gian bị xáo trộn.

Tuy nhiên, quân đội Iraq "đông nhưng không mạnh", dù có tên lửa Scud cũng không thể cứu vãn được cái kết thất bại thảm hại.

Chỉ trong vòng 42 ngày, toàn bộ lực lượng tăng-thiết giáp của Iraq bị xóa sổ, quân Iraq tháo chạy và bị hỏa lực trên không của Mỹ t. Nước Mỹ giương cao ngọn cờ chiến thắng.

Tên lửa Scud của Iraq, nỗi lo sợ của Quân đội Mỹ

Sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc, Iraq đem quân xâm lược Kuwait; việc này đã vấp phải sự phản đối của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Mỹ cũng thấy rằng, đây là cơ hội hiếm có để đánh "dập đầu" một quốc gia "khó bảo" như Iraq, củng cố vị trí quyền lực tại Trung Đông.

Dưới lá cờ "Liên hợp quốc", liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu gồm 34 nước, đã tiến hành chiến dịch quân sự với mật danh "Bão táp sa mạc", giải phóng Kuwait; mở đầu bằng những đợt không kích dữ dội của máy bay chiến đấu tàng hình F-117A và tên lửa hành trình Tomahawk.

Để chống lại các cuộc không kích của Mỹ và liên quân, Iraq đã phóng một số lượng lớn tên lửa Scud vào lãnh thổ Israel. Trước cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq, người dân Israel trở nên hoảng loạn; nhiều ngôi nhà bị biến thành đống đổ nát và nhiều người thiệt mạng.

Mỗi khi tiếng còi báo động của phòng không vang lên, người dân Israel khiếp sợ đã nhanh chóng xuống hầm ẩn nấp. Để chống lại tên lửa Scud của Iraq, quân đội Mỹ đã nhanh chóng đưa tên lửa Patriot vào thực chiến.

Bất cứ khi nào tên lửa Scud được Iraq phóng đi, trung tâm chỉ huy tên lửa phòng không Patriot của Mỹ sẽ căng thẳng và nỗ lực đánh chặn từng tên lửa.

Số lượng tên lửa Scud rơi xuống lãnh thổ Israel thực sự đã giảm kể từ khi tên lửa Patriot vào chiến đấu; nhưng chỉ cần một tên lửa Scud không bị đánh chặn thành công, hàng trăm người dân Israel có thể mất mạng.

Mục đích của việc Iraq điên cuồng phóng tên lửa Scud vào Israel cũng rất đơn giản, đó là muốn ép Israel tham chiến, từ đó buộc các nước Ả Rập ủng hộ Mỹ ra khỏi cuộc chiến và làm tan rã khối đoàn kết trong liên quân.

Do tỷ lệ đánh chặn của tên lửa Patriot không phải là 100%, nên khi Israel chứng kiến những tổn thất ngày càng gia tăng, chắc chắn sẽ không bằng lòng với Mỹ và có thể thực hiện một kế hoạch tác chiến trả đũa. Mà việc này thì Israel thừa khả năng.

Hành động của Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa Scud

Nhưng điều mà Iraq không ngờ, đó là sự "nhẫn nhịn" của Israel với sự dàn xếp của Mỹ. Nhưng nếu Mỹ không thể dập tắt cuộc tấn công tên lửa Scud do Iraq phát động nhằm vào Israel, thì Israel "bực mình", vẫn sẽ trả đũa sau lưng.

Để ngăn chặn tình trạng này, quân đội Mỹ đã tăng cường nỗ lực chống lại tên lửa Scud của Iraq, nhưng rất khó để tiêu diệt chúng.

Ban đầu, quân đội Mỹ muốn sử dụng máy bay ném bom để phá hủy các bệ phóng tên lửa Scud của Iraq, nhằm hạn chế khả năng tấn công của tên lửa Scud Iraq vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, các máy bay trinh sát do quân đội Mỹ cử đến đã không thể lần lượt phát hiện ra vị trí của các bệ phóng tên lửa Iraq.

Iraq hiếm khi phóng tên lửa Scud vào ban ngày, về cơ bản thì họ tiến hành phóng vào ban đêm và họ cũng chọn những khoảng thời gian khi điều kiện thời tiết không tốt, lúc này vệ tinh do thám của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi mây và sương mù dày đặc, do vậy sẽ không xác định được rõ ràng tình hình mục tiêu, như vậy rất khó có thể đánh chặn chính xác tên lửa.

Sau mỗi vụ phóng tên lửa của Iraq, bệ phóng tên lửa sẽ nhanh chóng ẩn dấu vết, các vệ tinh do thám của Mỹ hoàn toàn không kịp phản ứng.

Iraq cũng đã làm nhiều mô hình bệ phóng tên lửa Scud giả trên mặt đất, tương tự như bệ phóng tên lửa thật; các mục tiêu giả này chủ yếu được cấu tạo từ các vật liệu như cao su và nhựa, thường đánh lừa quân đội Mỹ để thực hiện các cuộc tấn công.

Để tiêu diệt hoàn toàn tên lửa giấu mặt ở Iraq, quân đội Mỹ đã cử lính đặc nhiệm luồn sâu vào nội địa Iraq để tiến hành trinh sát chi tiết, sau khi lính đặc nhiệm phát hiện vị trí tên lửa Scud, thì sẽ thông báo ngay cho lực lượng không quân để tổ chức tấn công.

Bằng nhiều biện pháp kết hợp, quân đội Mỹ đã phá hủy thành công nhiều bệ phóng tên lửa Scud của Iraq, mặc dù chúng được giữ bí mật rất tốt.

Khi trận chiến kết thúc, quân đội Iraq đã vỡ mộng và không còn tinh thần để tiếp tục chiến đấu với quân đội Mỹ, và thất bại là điều đương nhiên.

Mặc dù quân đội Mỹ đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc chiến này nhưng trong cuộc chiến tên lửa với Iraq, Quân đội Mỹ cũng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Những sai sót của Quân đội Mỹ lộ ra trong trận chiến với tên lửa Scud

Tên lửa Scud mà Iraq sử dụng vào thời điểm đó, dù xét về tầm bắn, độ chính xác khi tấn công hay sức công phá đều không đặc biệt mạnh, nhưng quân đội Mỹ đã tốn rất nhiều công sức để chống lại nó.

Quân đội Mỹ đã phải điều động một số lượng lớn máy bay chiến đấu và triển khai tên lửa đánh chặn Patriot với quy mô lớn, nhưng hiệu quả tấn công cuối cùng không lý tưởng; đặc biệt là tỷ lệ đánh chặn của tên lửa Patriot, thực tế chỉ đạt 70%.

Có thể thấy, công nghệ đánh chặn tên lửa Patriot của Mỹ khi đó chưa thuần thục, dẫn đến chi phí cho mỗi tên lửa bị Mỹ đánh chặn cao hơn rất nhiều. Chính vì điều này, nên ngay sau chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc, Mỹ đã tập trung nâng cấp tên lửa đánh chặn Patriot.

Bên cạnh đó, do quân đội Mỹ đã tập trung rất nhiều vào việc đánh chặn tên lửa Scud, các nhiệm vụ chiến đấu khác đã bị bỏ qua, khiến thời gian chiến tranh kéo dài hơn.

Nhìn chung, có một số sai sót trong hoạt động tác chiến của Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh, nhưng điều này không ảnh hưởng đến kết quả họ đã giành được trong cuộc chiến này.

Sau Chiến tranh vùng Vịnh, tất cả các nước trên thế giới đều kinh ngạc trước khả năng chiến tranh thông tin hiện đại của Mỹ. Các đối thủ của Mỹ ở Trung Đông cũng bị sốc nặng. Nhưng đó cũng là thời cơ để quân đội các nước tiến hành cải cách, hiện đại hóa, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

Tiến Minh (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/my-tung-run-so-truoc-ten-lua-cua-iraq-trong-chien-tranh-vung-vinh-1732857.html