Mỹ tụt hậu trong cuộc đua lithium toàn cầu

Mỹ đã chứng kiến sự suy giảm trong sản xuất lithium và trở thành một quốc gia 'nhỏ' trên thị trường toàn cầu. Sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn lithium nước ngoài gây ra những rủi ro về chiến lược và kinh tế.

Lithium có vai trò quan trọng trong sản xuất xe điện. Ảnh: TXH/TTXVN

Lithium có vai trò quan trọng trong sản xuất xe điện. Ảnh: TXH/TTXVN

Theo mạng tin Oilprice.com ngày 1/9, Lithium, kim loại quan trọng đối với ngành công nghiệp pin cho xe điện và lưu trữ năng lượng, đang trở thành tâm điểm trong cuộc đua tài nguyên toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ, một cường quốc năng lượng, lại đang tụt hậu đáng kể trong lĩnh vực này. Tình trạng này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ mà còn tiềm ẩn những rủi ro chiến lược và kinh tế đáng lo ngại.

Theo Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới 2024 do Viện Năng lượng công bố, sản lượng lithium toàn cầu đã tăng mạnh từ 9,5 nghìn tấn vào năm 1995 lên 198 nghìn tấn vào năm 2023, với vai trò không thể thiếu của lithium trong ngành sản xuất pin cho xe điện và lưu trữ năng lượng. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia khác như Australia, Chile, và Trung Quốc đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, Mỹ lại chứng kiến sự suy giảm sản lượng trong suốt thập kỷ qua và trở thành một bên tham gia nhỏ trong cuộc đua lithium toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy Mỹ hiện có sản lượng lithium thấp nhất so với quy mô trữ lượng của các quốc gia khác trong nhóm sản xuất hàng đầu. Với trữ lượng lithium đã được chứng minh, Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong thị trường này, nhưng sản lượng lại không tương xứng. Nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, Mỹỳ có nguy cơ tiếp tục tụt hậu, phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ nước ngoài.

Australia hiện là nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, chiếm 43,4% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2023, đồng thời sở hữu 23,8% trữ lượng lithium đã được chứng minh. Chile, với trữ lượng lớn nhất thế giới (35,7%), cũng là một đối thủ đáng gờm, với sản lượng đạt 56,5 nghìn tấn vào năm 2023. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án khai thác lithium để phục vụ cho ngành sản xuất pin đang bùng nổ, với sản lượng tăng đều đặn từ 2,3 nghìn tấn năm 2008 lên 33 nghìn tấn năm 2023.

Các quốc gia mới nổi như Argentina và Brazil cũng đang gia tăng sản lượng lithium, cho thấy xu hướng mở rộng sản xuất không chỉ giới hạn ở các quốc gia dẫn đầu. Những bước tiến này giúp đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường toàn cầu, trong khi Mỹ vẫn loay hoay tìm cách cải thiện năng lực sản xuất trong nước.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các nguồn cung nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, đặt Mỹ vào tình thế tương tự như sự phụ thuộc vào OPEC về dầu mỏ trong quá khứ. Khi lithium trở thành yếu tố thiết yếu trong ngành công nghiệp xe điện và lưu trữ năng lượng, sự lệ thuộc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn tiềm ẩn rủi ro chiến lược.

Nếu không có sự đảm bảo về nguồn cung, Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì các mục tiêu phát triển năng lượng sạch và bảo vệ an ninh kinh tế. Khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nội địa có thể bị suy giảm khi các đối thủ lớn như Trung Quốc kiểm soát phần lớn nguồn tài nguyên quan trọng này.

Để khắc phục tình trạng này, Mỹ cần triển khai các biện pháp nhằm tăng cường sản xuất lithium trong nước. Điều này bao gồm đầu tư vào công nghệ khai thác và chế biến lithium hiện đại, đồng thời thúc đẩy các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp lithium. Ngoài ra, Mỹ cần đa dạng hóa nguồn cung bằng cách thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà sản xuất lớn khác ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Australia và Chile.

Một chiến lược dài hạn cũng cần tính đến việc thúc đẩy thăm dò và phát triển các mỏ lithium mới trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế. Bằng cách này, Mỹ không chỉ giảm thiểu rủi ro kinh tế mà còn củng cố vị thế chiến lược của mình trong cuộc đua tài nguyên toàn cầu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-tut-hau-trong-cuoc-dua-lithium-toan-cau-20240902140654020.htm