Mỹ tụt lại trong cuộc đua mua vật tư y tế từ Trung Quốc?
Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đang bị các đối thủ toàn cầu vượt qua trong cuộc đua giành vật tư y tế từ Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Tribune News Service, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Mỹ và Trung Quốc thừa nhận rằng các quốc gia khác đang hành động mạnh mẽ hơn so với chính quyền Trump trong việc tiếp cận nguồn cung từ Bắc Kinh để đối phó với COVID-19.
"Bạn phải nhanh nhẹn và tinh ranh... Mỹ lại rất chậm", Isaac Larian, nhà sáng lập hãng sản xuất đồ chơi và sản phẩm giải trí MGA Entertainment cho biết.
Larian từ tháng trước bắt đầu làm việc với các nhà sản xuất Trung Quốc để đem về các lô vật tư y tế cho các bệnh viện Mỹ.
Giống như nhiều nhà nhập khẩu và nhà sản xuất được phỏng vấn, Larian nói rằng nguồn cung vật y tế của Trung Quốc luôn có sẵn có với những người biết cách có được chúng.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Trump, khác với chính phủ các nước khác, mất hàng tháng để phát triển một chiến lược chống dịch tập trung, phối hợp để bảo đảm nguồn cung thiết bị từ Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng có thời điểm tập trung vào việc chỉ trích sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc hơn là đưa ra những bước đi quyết liệt.
Kent Kedl, đối tác của Control Risks, công ty tư vấn chiến lược và rủi ro có trụ sở tại Thượng Hải cho biết các chính phủ châu Âu đã liên hệ với văn phòng của ông từ đầu tháng 3 về việc đảm bảo nguồn cung y tế. Nhưng ông không thấy các quan chức chính phủ Mỹ liên lạc.
"Thành thật mà nói thì chúng tôi đã nói chuyện với những người liên lạc ở đại sứ quán. Họ nói họ rất ổn. Họ lo được vấn đề", ông cho hay.
Chính quyền Trump cũng được cho là chậm chạp trong việc làm rõ quy định về các loại khẩu trang được phép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tận tới đầu tháng 4, vài tuần sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo các bệnh viện thiếu khẩu trang sử dụng khăn quàng cổ thay thế, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ mới cho phép sử dụng mẫu khẩu trang phòng độc KN95 do Trung Quốc sản xuất. KN95 tương tự mẫu khẩu trang N95 của Mỹ.
Khi dịch trở nên tồi tệ hơn, Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền gia tăng các chỉ trích nhắm vào Trung Quốc. Các diễn biến này cộng với mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng xuất phát từ cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 2 năm qua làm phức tạp thêm nỗ lực đảm bảo nguồn cung từ Trung Quốc của các công ty Mỹ.
"Các công dân Trung Quốc và đặc biệt là chính phủ của họ không chấp nhận sự thiếu tôn trọng. Một số người ở đây đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự thiếu hụt nguồn cung. Tôi nghĩ chúng ta nên soi xét lại mình", một nhà nhập khẩu Mỹ có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc với các nhà sản xuất Trung Quốc cho hay.
Li Lu, một nhà đầu tư người Mỹ gốc Hoa ở Seattle tin rằng việc tìm kiếm nguồn cung sẽ suôn sẻ và hiệu quả hơn nếu Mỹ có mối quan hệ tốt hơn với chính phủ Trung Quốc.
Giống như Mỹ, Đức có hệ thống chăm sóc sức khỏe chủ yếu dựa vào tư nhân. Họ cũng để các bang chịu trách nhiệm chính về cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Nhưng khác với Mỹ, Đức nhanh chóng điều phối các lô hàng vật tư y tế lớn vào đầu năm nay. Trong khi đó tại Washington, mãi cho tới ngày 2/4, Bộ Ngoại giao Mỹ mới liên hệ với Phòng Thương mại Mỹ để hỗ trợ tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng tới từ Trung Quốc.
Một số nhà sản xuất Mỹ làm việc tại Trung Quốc cũng cảm thấy khó hiểu khi các quan chức chính phủ Mỹ không liên hệ với họ.
"Đây là nơi chính quyền phải bước vào để giải quyết tình hình khó khăn và quản lý việc này. Đó là chuyện lẽ ra nên được xử lý từ sớm", Michael Crotty, Chủ tịch của Golden Pacific Fashion & Design, công ty dệt may có trụ sở bên ngoài Thượng Hải cho hay.