Mỹ và Ấn Độ sẽ là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay?
Một thước đo về sự vận hành của nền kinh tế Mỹ đã phục hồi lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022, mang tới một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu về cơ bản vẫn còn ảm đạm...
Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ và Ấn Độ đã tăng lên trong mấy tháng gần đây, làm dấy lên hy vọng rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn so với kết quả đạt được trong năm ngoái - theo kết quả nghiên cứu của tờ báo Financial Times.
Một thước đo về sự vận hành của nền kinh tế Mỹ - gồm các thông số về niềm tin, thị trường tài chính và hoạt động thực tế - đã phục hồi lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022, mang tới một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu về cơ bản vẫn còn ảm đạm. Nền kinh tế Ấn Độ cũng cho thấy sự khởi sắc tương tự - theo báo cáo mỗi năm hai lần chỉ số Brookings-FT Tracking Index for the Global Economic Recovery (Tiger) về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách từ khắp các quốc gia trên thế giới hội tụ về Washington DC, Mỹ để dự chuỗi sự kiện mùa xuân hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước thềm sự kiện này, IMF đã lên tiếng cảnh báo về một thập kỷ tăng trưởng gây thất vọng và khả năng ngày càng lớn về sự bất mãn của công chúng khi các ngân hàng trung ương tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát và các chính phủ trầy trật với khối nợ công khổng lồ.
Rủi ro địa chính trị cũng đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế thế giới, bao gồm căng leo thang ở Trung Đông sau khi Iran cuối tuần vừa rồi tiến hành tấn công Israel bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa để trả đũa việc Israel trước đó không kích lãnh sự quán Israel ở Damascus, Syria.
Theo dự kiến, IMF sẽ công bố báo cáo cập nhập về triển vọng kinh tế toàn cầu trong tuần này. Giới quan sát dự báo trong báo cáo lần này, IMF sẽ nâng triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu năm nay và năm tới từ mức tương ứng 3,1% và 3,2% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 1.
Chuyên gia cấp cao Eswar Prasad của Viện Brookings nhận định chỉ số Tiger mang đến “những chỉ báo tích cực” về sự khởi sắc nhẹ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay so với năm ngoái. Trong đó, Mỹ sẽ giữ vai trò là đầu tàu tăng trưởng chính của sự khởi sắc này.
Ông Prasad nhấn mạnh rằng bất chấp chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì được đà tăng trưởng và hiện tại hầu như không có khả năng sẽ rơi vào một cuộc suy thoái, dù là suy thoái nông.
“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục khiến tất cả mọi người phải ngạc nhiên vì chứng tỏ được sự vững vàng đáng kể, với một thị trường lao động thắt chặt và giá cổ phiếu tăng mạnh, tiếp sức cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nhu cầu nội địa”, vị chuyên gia nhận định.
Sức bền của nền kinh tế Mỹ, cộng với sự dai dẳng của lạm phát ở nước này, đã dập tắt hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Điều này cũng khiến giới quan sát phải điều chỉnh lại dự báo về mức độ sẵn sàng của các ngân hàng trung ương lớn khác trong việc xoay trục khỏi chính sách tiền tệ thắt chặt.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng nổi lên trong phân tích Tiger với các chỉ báo tăng trưởng mạnh lên, trong khi các nền kinh tế lớn của châu Âu gồm Đức và Anh vẫn trong tình trạng sức khỏe èo uột.
“Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang đương đầu với áp lực từ xung độ địa chính trị, các chính sách bảo hộ và sự dai dẳng của lạm phát”, ông Prasad nhận định.
Vị chuyên gia nói thêm rằng Trung Quốc vẫn đang “mấp mé giảm phát”, với các chỉ số niềm tin bị ghìm ở mức thấp. Ông cảnh báo rằng cả Trung Quốc và Đức có vẻ đang trông chờ vào sự khởi sắc của nhu cầu bên ngoài để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, và điều này có thể đặt ra những trở ngại đối với tiến trình phục hồi và thổi bùng căng thẳng thương mại.