Mỹ và chiến lược quốc tế đối phó với UAV tấn công cỡ nhỏ
Việc sử dụng rộng rãi và hiệu quả các tổ hợp máy bay không người lái tấn công (UACV) cỡ nhỏ trong quân sự đã được Lầu Năm Góc dự đoán từ những năm 1990, nhưng sau nhiều thập kỷ phát triển và hoàn thiện, UACV đã trở thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ và nhiều quốc gia khác trong chiến tranh bất đối xứng.
Từ nguy cơ tới mối đe dọa
Các loại UACV cỡ nhỏ được giới chức phân loại là các tổ hợp máy bay không người lái quân sự có trọng lượng từ 9 tới 600kg. Phân loại này đã được thế giới công nhận. Việc sử dụng UACV cỡ nhỏ trong chiến đấu của phe phái đối lập đã được ghi nhận vào năm 2014 tại Iraq. Tới năm 2016, UACV bắt đầu có sự tiến hóa cho nhiệm vụ tấn công liều chết (kamikaze), bên cạnh nhiệm vụ trinh sát và chỉ thị mục tiêu cơ bản.
Một điểm đáng chú ý là UACV rất đơn giản, thậm chí được hoán cải từ các loại UAV thương mại có thể mua bán dễ dàng trên thị trường. Để đối phó với mối nguy cơ mới này, Mỹ đã thành lập đơn vị đặc biệt nghiên cứu các phương án đối phó với UACV cỡ nhỏ với tên gọi JCO.
JCO đánh giá, sự phổ biến của UACV cỡ nhỏ trong các cuộc xung đột gần đây liên quan tới sự đơn giản và giá thành rẻ của chúng. Nếu các dòng thiết bị bay không người lái (UAV) truyền thống cần nhiều công nghệ đặc biệt mà chỉ các quốc gia có nền tảng công nghệ hàng không quân sự phát triển mới có thể chế tạo, thì UACV cỡ nhỏ có thể chế tạo ở bất kỳ đâu trên nền tảng hoán cải UAV dân sự có sẵn. Trong khi các loại UAV chuyên dụng có giá tới hàng triệu USD, thì UACV cỡ nhỏ chỉ có giá từ vài chục nghìn USD và có thể chế tạo ở bất kỳ đâu. Chính vì sự đơn giản và dễ dàng tiếp cận này đã khiến UACV cỡ nhỏ “tiến hóa” từ nguy cơ thành mối đe dọa mới trên chiến trường, trong đó có quân đội Mỹ. Các chiến lệ ghi nhận ở Syria, Lybia và mới đây nhất là tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, đã khiến Mỹ và nhiều quốc gia khác phải tính toán lại phương án đối phó với UACV cỡ nhỏ trong chiến tranh quy ước, cũng như bất đối xứng.
Đối với quân đội Mỹ với hệ thống căn cứ quân sự trên khắp thế giới, mối đe dọa từ UACV là hiện hữu. Tuy nhiên, việc phát triển, tìm kiếm các phương án đối phó không phải dễ dàng, khi phương án đó không chỉ cần khả thi về mặt quân sự, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn đối với quốc gia có lực lượng quân sự Mỹ đồn trú.
Chính vì thế, Lầu Năm Góc công bố Chiến lược đối phó với các phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ để huy động sức mạnh quốc tế từ các quốc gia NATO và đồng minh thân cận để có phương án cụ thể với hình thức chiến tranh phi đối xứng này.
Chưa có biện pháp đối phó hữu hiệu chống lại UACV cỡ nhỏ
JCO và giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong vòng 5 năm tới, các phương án đối phó với UACV sẽ xuất hiện, nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn để các phương án này có mức giá thành chấp nhận đối với quân đội các nước.
Tương tự như các chương trình phát triển vũ khí hợp tác trước đây, Mỹ mong muốn thành lập một hệ thống vũ khí đối phó với UACV cỡ nhỏ với sự tham gia của nhiều quốc gia để chia sẻ tài chính nghiên cứu và phát triển, cũng như giá thành dòng vũ khí này trong tương lai. Cùng với đó, việc cùng tham gia phát triển cũng giúp hình thành tiêu chuẩn chung ở tầm quốc tế với loại vũ khí phòng thủ mới này. Đây có thể coi là cách phòng thủ chủ động của Mỹ đối với UACV cỡ nhỏ.
Bên cạnh phương án phòng thủ chủ động, Mỹ cũng đề ra phương án phòng thủ bị động là đề nghị các quốc gia thắt chặt các quy định về mua bắn, chế tạo UAV dân sự, vốn có thể được sử dụng để hoán cải thành UACV cỡ nhỏ. Tuy nhiên, quá trình này cần nhiều thời gian do quy định về việc sử dụng UAV ở mỗi quốc gia lại có sự khác biệt.
Cuối cùng chính là nghiên cứu các chiến lệ có sử dụng UACV cỡ nhỏ trong thực chiến như tại Nagorno-Karabakh vừa qua để có phương án đối phó hữu hiệu. Quy luật phát triển giữa vũ khí tấn công và phòng thủ giống như “mâu và thuẫn” sẽ không bao giờ có hồi kết.
Hiện tại, các phương án phòng thủ cứng đối phó với UACV cỡ nhỏ chính là các tổ hợp pháo-tên lửa tầm thấp, vũ khí laser; tác chiến mềm là đối kháng điện tử. Trong đó, phương án sử dụng các loại vũ khí phòng thủ nhỏ gọn, đặt trên khung gầm xe dã chiến nhận được sự quan tâm nhờ giá thành và chi phí sử dụng rẻ. Tuy nhiên, hiệu quả phòng thủ của chúng vẫn chưa đạt hiệu suất tối ưu, nhất là khi phải đối phó với các bầy đàn UACV với số lượng lớn.
Với hướng phát triển UACV ngày càng rẻ hơn so với các loại vũ khí phòng thủ truyền thống, việc đối phó với chúng cần các chiến lược cụ thể và hiệu quả cao. Không thể sử dụng các quả đạn tên lửa trị giá hàng triệu USD để chống lại các UACV có giá vài nghìn hoặc vài chục nghìn USD. Với mức hao tổn như vậy, kể cả siêu cường như Mỹ cũng khó có thể đáp ứng được.