Mỹ và đồng minh tìm cách giảm phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc

Theo Wall Street Journal, Mỹ và các đồng minh đang tìm cách cắt giảm những mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc, cố gắng hạn chế quan hệ trong một số lĩnh vực mà họ coi là chiến lược nhưng vẫn duy trì dòng chảy đầu tư và thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến các cường quốc phương Tây thay đổi cách nghĩ về chiến lược của họ đối với Trung Quốc-đối tác gần gũi của Moscow đồng thời là nhà sản xuất nhiều hàng hóa và nguyên liệu thiết yếu. Mối lo ngại về tình trạng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc cũng tương tự như phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Từ khi xung đột nổ ra, Nga đã siết chặt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, gây đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu. Một số quan chức kinh tế phương Tây e ngại Trung Quốc cũng có thể hành động giống Nga, tức là hạn chế xuất khẩu các mặt hàng quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột hoặc một đại dịch khác.

 Mỏ đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: DW

Mỏ đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: DW

Cách đây vài tháng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với những nguy cơ do phụ thuộc vào Bắc Kinh về công nghệ và nguyên liệu. “Chúng ta đã học được bài học liên quan đến sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và việc thoát khỏi sự phụ thuộc này khó khăn đến mức nào.

Tuy nhiên, đó là điều cần thiết. Trong trường hợp của Trung Quốc, đó là nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu”, Chủ tịch EC cho biết, đồng thời nói thêm rằng, các ưu tiên của khối phải là tăng cường “năng lực của chính mình”. Bà Ursula von der Leyen cũng nhận định mối quan hệ của EU với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi sự củng cố, tăng cường trong mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.

Về phần Mỹ, quốc gia này đang tăng cường điều hướng nền kinh tế khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc. Các luật mới được ban hành vào năm ngoái với các khoản trợ cấp lớn để thu hút các công ty công nghệ bán dẫn và năng lượng sạch quan trọng quay trở lại Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị liên quan sang Trung Quốc, đồng thời đang chuẩn bị các biện pháp hạn chế đầu tư mới vào nước này.

Theo Foreign Policy, Mỹ và các đồng minh đặt mục tiêu tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các vật liệu cần thiết cho công nghệ năng lượng sạch và thiết bị quốc phòng tiên tiến. Các nhà lập pháp xứ cờ hoa đang nỗ lực kiềm chế sự chi phối của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, vốn là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Họ cũng lo lắng rằng đầu tư và công nghệ của phương Tây, nếu không bị hạn chế, có thể giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự của mình.

Thế nhưng, phương Tây muốn giảm quan hệ với Trung Quốc không phải dễ. Cần nhớ rằng, hàng thập kỷ đầu tư đã cho phép Bắc Kinh dành được lợi thế không nhỏ trong việc kiểm soát các nguồn khoáng sản quan trọng như cobalt và lithium. Việc nắm giữ các nguồn tài nguyên này sẽ giúp Trung Quốc có thêm nhiều lợi thế để vươn lên dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, châu Âu-nơi mà nguồn cung các khoáng sản quan trọng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, vẫn đang loay hoay tìm cách đứng vững trên chính đôi chân của mình. EU cần các kim loại và đất hiếm quan trọng để thành công trong quá trình chuyển đổi sang các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hầu hết nguyên liệu đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo nguồn tin DW, trong số 30 nguyên liệu thô mà EU phân loại là quan trọng, 19 nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số mặt hàng Trung Quốc có độc quyền, cung cấp tới 98% nhu cầu cần thiết cho EU.

Ngay cả khi EU cố gắng cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, khối này cũng khó có thể chấm dứt ngay sự phụ thuộc vào các loại nguyên liệu thô quan trọng từ Trung Quốc, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như quá trình số hóa của nền kinh tế châu Âu.

Một khía cạnh khác cũng cần được lưu ý là Trung Quốc hiện vẫn nắm giữ vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, rất khó để dịch chuyển chuỗi cung ứng hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc. Ngoài việc tích cực đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, các quốc gia phương Tây còn cần phải tăng cường khả năng tự cung tự cấp. Nhưng theo ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một quá trình không dễ dàng và không thể xảy ra nhanh chóng.

Mới đây, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thống nhất sẽ cố gắng tránh những biện pháp có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khi đoàn kết tìm ra những biện pháp chính sách cụ thể để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này cho thấy những bài học năng lượng từ xung đột Nga-Ukraine đã không cho phép họ lặp lại những bước đi vội vàng, đặc biệt với nền kinh tế số hai thế giới như Trung Quốc.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-va-dong-minh-tim-cach-giam-phu-thuoc-ve-kinh-te-voi-trung-quoc-725554

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/576466-my-va-dong-minh-tim-cach-giam-phu-thuoc-ve-kinh-te-voi-trung-quoc.html