Mỹ và EU đạt thỏa thuận thương mại 'lớn nhất', tránh cuộc chiến thuế quan toàn diện
Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại trị giá hàng nghìn tỷ USD với EU, áp thuế 15% thay vì 30%, tránh được cuộc chiến thuế quan toàn diện. EU đồng ý mua 750 tỷ USD năng lượng từ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Turnberry, Scotland, ngày 27/7. Ảnh: Reuters.
Ngày 27/7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt mà Tổng thống Donald Trump gọi là “thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay”, qua đó giải quyết căng thẳng thuế quan xuyên Đại Tây Dương và ngăn chặn nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Tuyên bố được ông Trump đưa ra sau cuộc gặp mang tính quyết định với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại khu nghỉ dưỡng sân golf của ông ở Scotland. Theo đó, một mức thuế cơ bản 15% sẽ được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Mỹ.
Cuộc đàm phán chỉ kéo dài khoảng một giờ, diễn ra ngay trước thời hạn chót ngày 1/8 – thời điểm Mỹ dự định áp thuế 30% trên diện rộng với hàng hóa châu Âu nếu không có thỏa thuận.
“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận. Đây là một thỏa thuận tốt cho tất cả mọi người. Có thể nói, đây là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết trong bất kỳ lĩnh vực nào”, ông Trump tuyên bố.
Ông cho biết mức thuế 15% sẽ được áp dụng rộng rãi, bao gồm cả các lĩnh vực trọng yếu của châu Âu như ô tô, dược phẩm và chất bán dẫn.
Trong khuôn khổ thỏa thuận, EU cũng đồng ý mua “750 tỷ USD năng lượng” từ Mỹ, cùng với 600 tỷ USD đầu tư bổ sung khác, theo ông Trump.
Bà von der Leyen cho biết các hoạt động mua khí hóa lỏng (LNG), dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân từ Mỹ sẽ diễn ra trong vòng 3 năm, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và giảm phụ thuộc vào Nga.
Đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU, bà von der Leyen đã nỗ lực duy trì mối quan hệ thương mại song phương trị giá 1.900 tỷ USD mỗi năm.
“Đây là một thỏa thuận tốt”, bà nói với báo chí. “Nó sẽ mang lại sự ổn định, khả năng dự đoán – điều rất quan trọng với các doanh nghiệp ở hai bên bờ Đại Tây Dương”.
Bà cho biết hai bên đã đạt được miễn thuế song phương đối với một số “sản phẩm chiến lược” như máy bay, một số hóa chất, nông sản và nguyên liệu thô quan trọng.
EU cũng hy vọng sẽ đạt được thêm các thỏa thuận “zero-for-zero” (miễn thuế đối ứng), đặc biệt với mặt hàng rượu, điều mà bà hy vọng sẽ “được giải quyết trong vài ngày tới”.
Ông Trump cũng cho biết các nước EU – vốn đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng trong NATO – sẽ mua “hàng trăm tỷ USD trang thiết bị quân sự” từ Mỹ.
“Thỏa thuận tốt nhất có thể đạt được”
Trong thời gian qua, EU đã nhiều lần hứng chịu các đợt tăng thuế từ khi ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Hiện tại, khối này đang bị áp thuế 25% đối với ô tô, 50% với thép và nhôm, và một mức thuế đồng loạt 10% mà Mỹ đe dọa tăng lên 30% nếu không đạt được thỏa thuận.
EU đã thúc đẩy miễn thuế cho các ngành công nghiệp quan trọng từ hàng không tới rượu, trong khi ngành ô tô – xương sống của nền kinh tế Pháp và Đức – đang chật vật với các loại thuế hiện hành.
“15% không phải là con số nhỏ, nhưng đó là điều tốt nhất mà chúng tôi có thể đạt được”, bà von der Leyen thừa nhận.
Thỏa thuận vẫn cần được các quốc gia thành viên EU thông qua. Các đại sứ EU đang có chuyến thăm Greenland đã được Ủy ban châu Âu thông tin vào sáng Chủ nhật vừa qua, và sẽ tiếp tục nhóm họp sau thỏa thuận tại Scotland.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhanh chóng hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng nó đã tránh được “một cuộc leo thang không cần thiết trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu Đức lại tỏ ra ít hài lòng hơn. Liên đoàn công nghiệp BDI cho biết thỏa thuận này “sẽ có tác động tiêu cực đáng kể”, trong khi hiệp hội hóa chất VCI cho rằng mức thuế vẫn còn “quá cao”.
EU đã đề xuất cơ chế hạn ngạch cho thép, cho phép một lượng nhất định được miễn thuế khi vào Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump có vẻ đã bác bỏ đề xuất này, nói rằng “thép sẽ giữ nguyên như cũ”, trong khi bà von der Leyen lại khẳng định rằng “thuế sẽ được cắt giảm và hệ thống hạn ngạch sẽ được áp dụng”.
“Thỏa thuận lớn nhất”
Mặc dù mức thuế 15% cao hơn nhiều so với mức thuế trung bình 4,8% mà Mỹ từng áp với hàng hóa châu Âu, nó vẫn thấp hơn nhiều so với phương án không thỏa thuận.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, EU đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả với 109 tỷ USD hàng hóa Mỹ – bao gồm máy bay và ô tô – dự kiến có hiệu lực từ ngày 7/8.
Ông Trump đang theo đuổi một chiến lược tái định hình toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế, và tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt với nhiều nước nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.
Khi được hỏi về thỏa thuận kế tiếp, ông Trump trả lời: “Đây là thỏa thuận lớn nhất. Lớn nhất trong tất cả”.