Mỹ và EU ủng hộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Các cuộc tham vấn cấp cao đầu tiên về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Thủ đô Washington ngày 3/12. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Tổng thư ký Cơ quan đối ngoại EU Stefano Sannino đồng chủ trì sự kiện này.
Tại sự kiện, Mỹ và EU đã rà soát chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, đồng thời tái khẳng định ý định phối hợp với nhau và cùng các đối tác nhằm ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên cơ sở thượng tôn pháp luật và các giá trị dân chủ, đồng thời đóng góp cho ổn định, an ninh và phát triển bền vững của khu vực.
Hai bên khẳng định chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên cơ sở các giá trị và lợi ích chung và cùng ủng hộ các khung đa phương dựa trên luật lệ. Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ủng hộ một ASEAN độc lập và mạnh.
Mỹ và EU cùng chia sẻ mối quan tâm đối với an ninh, ổn định và tính có thể dự báo trước ở khu vực, bao gồm liên quan tới tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên tái khẳng định mối quan tâm tới sự ổn định và hiện trạng ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời nhấn mạnh mối quan tâm chung trong việc tăng cường hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc) phù hợp với các chính sách “một Trung Quốc” của mỗi bên.
Mỹ và EU khẳng định chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên cơ sở các giá trị, lợi ích chung và cùng ủng hộ các khung đa phương dựa trên luật lệ.
Trong chuyến công du châu Á hồi tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố chương trình “Cơ cấu kinh tế mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được Tổng thống Joe Biden công bố sẽ đánh dấu sự trở lại châu Á của Mỹ sau nhiều năm vắng mặt. Quan chức này cho rằng, kết quả quá trình đàm phán lâu dài với các đối tác và đồng minh Mỹ tại châu Á cần trở thành thỏa thuận chính thức về hợp tác trong khuôn khổ chương trình “Cơ cấu kinh tế mới”. Điều này có tiềm năng đem đến cho Mỹ và các đồng minh, đối tác tại châu Á “nhiều lợi ích” hơn các thỏa thuận truyền thống về khu vực thương mại tự do, kể cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bình luận trong chương trình This Week in Asia, nhà dự báo chính trị Ian Bremmer cho rằng, dù có hay không sự tham gia của Mỹ, xét về khách quan, CPTPP vẫn là một hiệp định “tốt”. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 18/11 cho biết, các thành viên CPTPP sẽ hoan nghênh bất kỳ nền kinh tế nào muốn gia nhập và có thể đáp ứng “các tiêu chuẩn rất cao” của hiệp định. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc phê chuẩn thành viên mới cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên.
Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cho biết, với vai trò Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2022, Singapore sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận về việc kết nạp thành viên mới. Đáp lại câu hỏi của Tổng biên tập Bloomberg News John Micklethwait về phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP, Bộ trưởng Gina Raimondo cho rằng, nếu các thành viên hiện tại của CPTPP đồng ý chấp nhận Trung Quốc thì sẽ không có gì đáng nói. Bà nhấn mạnh rằng, Mỹ với tư cách một quốc gia với tiềm lực thương mại, các giá trị và ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, cũng như nhiều năm kinh nghiệm và hợp tác ở châu Á, sẽ “biết cách làm thế nào”, còn Trung Quốc sẽ “làm những điều phải làm”.
Ông Ian Bremmer thì bình luận: “Nếu Trung Quốc, bằng cách thể hiện mong muốn gia nhập, chuẩn bị nghiêm túc cho mục tiêu này và (tiến hành) thêm các cải cách, nền kinh tế của họ sẽ cởi mở và minh bạch hơn - đó cũng là một điều tích cực”.
Trong khi đó, nhà sáng lập hãng tư vấn chính trị Eurasia Group đã dành những lời lẽ gay gắt về lập trường của Mỹ đối với thương mại đa phương. Chuyên gia Ian Bremmer cho rằng, việc thiếu rõ ràng về các đề xuất đã phản ánh những khó khăn mà chính quyền Tổng thống Biden vấp phải trong việc thể hiện rõ quan điểm về thương mại đa phương.
Ông nói: “Mỹ không có chiến lược thương mại đa phương ở thời điểm hiện tại, không phải vì họ không muốn… Đó là bởi tình hình chính trị trong nước khiến mọi chuyện trở nên thách thức hơn”.
Khi được hỏi liệu những tiêu cực xung quanh các hiệp định thương mại đa phương có thể chuyển biến trong tương lai gần hay không, Ông Ian Bremmer cho rằng, đây không phải là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden. “Không thể xảy ra. Tôi đã nói chuyện với tất cả những người có liên quan. Hồ sơ này không có trong chương trình nghị sự”, ông nói.
Trong khi đó, đề cập đến các chuyến thăm gần đây tới Singapore của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin, cũng như chuyến công du đang diễn ra, bà Gina Raimondo tuyên bố rằng, Mỹ “rất nghiêm túc về việc nối lại hợp tác kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Liệt kê các thành phần của “Cơ cấu kinh tế mới”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết, việc thực hiện chương trình này khác so với các hiệp định thương mại tự do truyền thống: “Ví dụ, chúng ta có thể nói về hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, hợp tác trong đảm bảo sự bền vững và an toàn của chuỗi cung ứng của chúng tôi. Australia có những khoáng chất quan trọng mà tất cả chúng ta cần. Các bên có thể nói cụ thể và để một mức độ nào đó, linh hoạt hơn về quan hệ đối tác”.
Theo bà, khác biệt thứ hai là khả năng thích ứng và đồng bộ trong thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo: “Các tiêu chuẩn công nghệ như vậy không được đưa vào trong các hiệp định thương mại tự do truyền thống. Nhưng điều này là rất quan trọng: Ai sẽ viết các quy tắc để áp dụng các công nghệ mới? Chúng tôi muốn viết các quy tắc như vậy cùng với các đồng minh trong khu vực này. Đồng minh là những người cùng chí hướng”, bà Gina Raimondo nói.