Mỹ và Hàn Quốc tiến hành Ðối thoại kinh tế cấp cao
Theo Yonhap và TTXVN, ngày 6-11, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành Ðối thoại kinh tế cấp cao (SED) với mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến chính sách của hai nước tại khu vực Ðông - Nam Á và khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Yonhap và TTXVN, ngày 6-11, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành Ðối thoại kinh tế cấp cao (SED) với mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến chính sách của hai nước tại khu vực Ðông - Nam Á và khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Thứ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Li Tê Hô cùng Thứ trướng Ngoại giao Mỹ phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường K.Krach tham dự đối thoại. Tại đối thoại, hai bên tập trung xác định những điểm trùng nhau trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, qua đó trao đổi về cách thức phối hợp nhằm đạt được các mục tiêu chung.
Cùng ngày, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ D.Stilwell tiến hành một loạt cuộc gặp với các quan chức cấp cao Hàn Quốc, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Cang Kiêng Hoa, ở thủ đô Seoul, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách cứu vãn Hiệp định an ninh thông tin quân sự chung (GSOMIA) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sắp hết hiệu lực. Ông D.Stilwell cho biết, Mỹ vui mừng về cuộc gặp mới đây tại Thái-lan giữa Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe; cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản có thể được cải thiện.
Theo Yonhap và Kyodo, trong bài phát biểu ý kiến tại một trường đại học ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Mun Hi Xang nêu ra đề xuất thành lập một quỹ bồi thường mới cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ chiến tranh, vấn đề được xem là nguyên nhân chính gây tranh cãi trong quan hệ giữa Seoul và Tokyo thời gian qua. Theo Chủ tịch Quốc hội Mun Hi Xang, quỹ này sẽ hoạt động dựa trên nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp và cá nhân của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hãng tin NHK cho biết, phần lớn ý kiến trong Chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản phản đối đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Mun Hi Xang về việc các công ty Nhật Bản tham gia bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ chiến tranh. Trước đó, ngày 5-11, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y.Suga khẳng định, vấn đề bồi thường cưỡng bức lao động đã được giải quyết xong.