Mỹ và Hy Lạp mở rộng quan hệ quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng tại Địa Trung Hải

Hôm thứ Năm (14/10), Hy Lạp đã mở rộng thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, chỉ vài ngày sau khi phê chuẩn một thỏa thuận riêng với Pháp. Đây được xem như một bước đi của Hy Lạp nhằm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang leo thang.

Thỏa thuận giữa Hy Lạp và Mỹ được ký kết tại Washington đánh dấu mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Mỹ với một đồng minh lâu đời tại châu Âu, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đang dành sự tập trung vào khu vực châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias bắt tay sau khi ký gia hạn Thỏa thuận hợp tác quốc phòng chung tại Washington - Ảnh: AFP

Hy Lạp và Mỹ đã ký bản gia hạn 5 năm của Thỏa thuận hợp tác phòng thủ đối tác, được gia hạn hàng năm kể từ năm 1990. Thỏa thuận này còn được hai bên cam kết rằng sẽ có hiệu lực vô hạn, trừ khi một trong hai nước đưa ra thông báo nào khác trước hai năm.

Trong lễ ký kết thỏa thuận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias không đề cập cụ thể đến Thổ Nhĩ Kỳ, song cho biết nước này đã làm việc một cách hòa bình để thiết lập các ranh giới trên biển với các nước láng giềng khác, trong đó có Ai Cập, Ý và Albania.

Ông Dendias nói: “Ở Đông Địa Trung Hải, Hy Lạp đang phải đối mặt với một mối đe dọa chiến tranh nếu nước này thực thi quyền chủ quyền của mình. Tôi phải nói rằng, Hy Lạp đang phải đối mặt với sự khiêu khích hàng ngày”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken gọi Hy Lạp là một “đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy”. Trong một tuyên bố sau đó, ông còn nói rằng thỏa thuận mở rộng sẽ “thúc đẩy an ninh và ổn định ở Đông Địa Trung Hải và xa hơn nữa”.

Căng thẳng tại khu vực Địa Trung Hải tăng vọt vào năm ngoái khi Thổ Nhĩ Kỳ cử một tàu thăm dò và một đội hải quân nhỏ tiến hành nghiên cứu ở vùng biển mà Hy Lạp coi là của riêng mình theo các hiệp ước.

Cách đây một tuần, quốc hội Hy Lạp đã phê chuẩn một thỏa thuận quốc phòng lớn với Pháp, theo đó Athens sẽ mua ba tàu khu trục nhỏ với chi phí 3 tỷ euro (3,5 tỷ USD). Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích thỏa thuận nói trên.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh gần đây, Ngoại trưởng Hy Lạp Miltiadis Varvitsiotis gọi phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ là “rất dữ dội và hung hăng”, đồng thời cho biết việc sự hiện diện của Mỹ ở Alexandroupolis gửi đi “một thông điệp rất mạnh mẽ liên quan đến việc bảo vệ biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ” - cửa ngõ của những người di cư bất hợp pháp vào Liên minh Châu Âu (EU).

Ngoại trưởng Dendias đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với Hy Lạp, khi nói rằng: “Chúng tôi hiểu rằng Mỹ đang phải bận tâm đến những thách thức ở các khu vực khác trên thế giới”. Ông còn cho biết thỏa thuận mua tầu khu trục với Pháp sẽ “góp phần nâng cao vai trò của NATO tại châu Âu”.

Hoàng Huy (Theo Channelasianews)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-va-hy-lap-mo-rong-quan-he-quoc-phong-trong-boi-canh-cang-thang-tai-dia-trung-hai-post161639.html