Mỹ và kế hoạch rút quân khỏi Iraq

Các nhà đàm phán đã nhất trí một kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Iraq sau khi quân đội Mỹ liên tục bị các lực lượng ủy nhiệm của Iran tấn công. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần 'sự chấp thuận cuối cùng' từ các nhà lãnh đạo ở Baghdad và Washington dù rằng thỏa thuận được xem như đã xong, như một quan chức Mỹ đã nói 'bây giờ chỉ còn là vấn đề thời điểm công bố'.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến nhiều binh lính Mỹ rút khỏi Iraq vào tháng 9/2025 và những binh lính cuối cùng sẽ rời đi vào cuối năm 2026.

Những người chỉ trích “cuộc chiến tranh trường kỳ” của Mỹ có thể sẽ hoan nghênh thỏa thuận này, nhưng nó có thể gây ra mối lo ngại trong số các nhà hoạch định chính sách và đồng minh của Mỹ trong khu vực đang tập trung vào ảnh hưởng của Iran. Các cuộc đàm phán chính thức về tình trạng của khoảng 2.500 binh lính Mỹ tại Iraq đã bắt đầu vào tháng 1/2024 nhưng đã bị trì hoãn trong bối cảnh căng thẳng về cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani tại phòng làm việc của ông ở Baghdad, tháng 3/2024. Ảnh: Associated Press.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani tại phòng làm việc của ông ở Baghdad, tháng 3/2024. Ảnh: Associated Press.

Kể từ các cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu vào ngày 7/10/2023 và cuộc chiến ở Gaza, các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã tiến hành ít nhất 70 cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ tại Iraq. Vào đầu tháng 1/2024, Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Baghdad khiến Mushtaq Taleb al-Saidi (còn được gọi là Abu Taqwa), một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), tổ chức chung của các lực lượng dân quân Shia do nhà nước Iraq tài trợ và liên kết với Iran, thiệt mạng. Các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq đã bị Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani lên án, người đã tăng cường kêu gọi rút quân đội Mỹ trong những tháng gần đây. Trục xuất quân đội Mỹ khỏi Iraq là mục tiêu dài hạn của Iran, quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với nước láng giềng Iraq thông qua các mối quan hệ về năng lượng, tôn giáo và các nhóm dân quân Shia với hàng chục nghìn chiến binh.

Dân số Iraq bị chia rẽ giữa người Hồi giáo Shia chiếm đa số, người Hồi giáo Sunni và người Kurd thiểu số. Nhóm người Kurd đã tạo ra một khu vực bán tự trị ở miền Bắc Iraq. Kế hoạch được Iraq và Mỹ nhất trí nêu rõ rằng tất cả các lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu sẽ rời khỏi căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar phía Tây Iraq và giảm đáng kể sự hiện diện của họ ở Baghdad vào tháng 9/2025.

Thủ tướng Iraq Al-Sudani gặp Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ tại New York, tháng 9/2023. Ảnh: Iraqi NA.

Thủ tướng Iraq Al-Sudani gặp Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ tại New York, tháng 9/2023. Ảnh: Iraqi NA.

Lính Mỹ và liên minh chủ yếu đóng quân tại Baghdad và khu vực người Kurd tự trị ở miền Bắc Iraq. Họ sẽ ở lại Erbil, trong khu vực bán tự trị của người Kurd, chỉ trong một năm nữa. Việc rút quân đội Mỹ khỏi khu vực này có thể khiến sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Bắc Syria trở nên không bền vững. “Erbil rất quan trọng để hỗ trợ Syria”, Andrew Tabler, cựu Giám đốc Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết. “Mỹ cần có khả năng di chuyển quân đội và vật tư trên tuyến đường bộ giữa biên giới Iraq và Syria”.

Cơ sở pháp lý để Mỹ có mặt ở Syria, nơi có khoảng 900 quân nhân Mỹ đồn trú, cũng dựa trên thỏa thuận của Washington với Baghdad. Quân đội Mỹ chính thức có mặt ở Iraq và Syria để đảm bảo đánh bại lâu dài nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo, nhưng sự hiện diện của họ cũng được coi là một sự chia rẽ chiến lược chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Khi Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani đến thành phố New York vào tháng 9/2023 để tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh đã được cân bằng giữa hai cường quốc nước ngoài đang bao trùm Baghdad. Lực lượng bán quân sự Iraq, được Iran hậu thuẫn, đã đóng băng các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ tại quốc gia này. Nhà lãnh đạo mới của Iraq đã đến thành phố New York trong bối cảnh tình hình tạm lắng. Ông đã được chào đón trong các buổi tiếp tân xa hoa với các doanh nhân và nhà ngoại giao phương Tây bên lề Đại hội đồng, khi ông giới thiệu nền kinh tế giàu dầu mỏ nhưng đầy tham nhũng của Iraq là điểm đến đầu tư.

Abou Taqwa, một chỉ huy cấp cao của PMF, nằm trong số những người thiệt mạng ngày 4/1/2024 khi máy bay không người lái của Mỹ tấn công trụ sở của PMF ở phía đông Baghdad. Ảnh: Peoples Dispatch.

Abou Taqwa, một chỉ huy cấp cao của PMF, nằm trong số những người thiệt mạng ngày 4/1/2024 khi máy bay không người lái của Mỹ tấn công trụ sở của PMF ở phía đông Baghdad. Ảnh: Peoples Dispatch.

4 tháng sau, nhà lãnh đạo Iraq lên án Iran và Mỹ vì đã tiến hành các cuộc tấn công chết người vào đất nước của ông và lời kêu gọi đầu tư của ông với giới tinh hoa toàn cầu tại Davos Thụy Sĩ bị lu mờ. Baghdad chỉ trích cuộc tấn công là “vi phạm chủ quyền của Iraq”. Cũng tại Davos, thủ tướng Iraq Sudani cho biết “ISIS không còn là mối đe dọa đối với người dân Iraq nữa” và “việc chấm dứt sứ mệnh của liên minh quốc tế là điều cần thiết cho an ninh và ổn định của Iraq”.

Nhưng, ngay sau khi Iraq chỉ trích Mỹ vì cuộc tấn công, Iran đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo vào thành phố Erbil của Iraq, giết chết 4 người, bao gồm một nhà phát triển bất động sản người Kurd nổi tiếng và cô con gái 1 tuổi của ông. Baghdad chỉ trích cáo buộc của Iran rằng ngôi nhà bị tấn công ở Erbil là “trung tâm gián điệp” Mossad của Israel. Sudani gọi cuộc tấn công là “một hành động xâm lược rõ ràng”. Iraq đã triệu hồi đại sứ của mình tại thủ đô Tehran của Iran và cho biết sẽ đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những lời khiển trách kép của Iran và Mỹ nhấn mạnh sự căng thẳng mà Baghdad đang đi trên dây khi cuộc chiến ở Gaza lan rộng ra ngoài biên giới của vùng đất Địa Trung Hải bị bao vây này.

Trên khắp khu vực, Tehran và Washington đang phô trương sức mạnh, cạnh tranh để vượt qua nhau trong một cuộc chiến ủy nhiệm chết người. Cuộc xung đột mờ ám đã mang nhiều hương vị khác nhau phản ánh thực tế địa phương và địa chính trị. Trong khi đó, tại Lebanon, Mỹ đang cố gắng hạ nhiệt giao tranh giữa Israel và Hezbollah (Đảng của Thượng đế, là một tổ chức chính trị-vũ trang của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shia được thành lập vào năm 1982), khi cả hai bên đều cảnh giác không bị lôi kéo vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Các chiến binh Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tự biến mình thành mục tiêu của các cuộc không kích của Mỹ để đáp trả các cuộc tấn công của họ vào tàu thương mại.

Các thành viên của Lực lượng Huy động Nhân dân Iraq (PMF). Ảnh: Ahmad Al-Rubaye/thông qua Getty Images.

Các thành viên của Lực lượng Huy động Nhân dân Iraq (PMF). Ảnh: Ahmad Al-Rubaye/thông qua Getty Images.

Nhưng, có lẽ cuộc xung đột đang ở mức dữ dội và phức tạp nhất ở Iraq. “Chính phủ Iraq yếu kém, chia rẽ và về cơ bản không thể kiểm soát xung đột trên biên giới của mình từ các thế lực nước ngoài”, Renad Mansour, Giám đốc Sáng kiến Iraq tại Viện nghiên cứu Chatham House cho biết. “Nó nổi lên như một sân chơi được lựa chọn, nơi Mỹ và Iran có thể đấu tranh. Rủi ro leo thang ở đây thấp hơn cho cả hai bên. Và, họ có thể thể hiện sức mạnh và cạnh tranh ảnh hưởng”.

Đối với Iran và các đồng minh Iraq thống trị chính quyền Baghdad, cuộc chiến ở Gaza đã tạo cơ hội để thúc đẩy mục tiêu trục xuất Mỹ khỏi Iraq. Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ và một quan chức Iraq cho biết đã có sự phối hợp gia tăng giữa các lực lượng bán quân sự được Iran hậu thuẫn ở Iraq và lực lượng Hezbollah của Lebanon với mục tiêu đó. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, một quan chức cấp cao của Hezbollah, Mohammad Hussein al-Kawtharani, đã đến Baghdad để giám sát các hoạt động.

“Thay vì tấn công Israel, những gì chúng ta đang thấy ở Iraq là nhiều cuộc tấn công hơn vào lực lượng Mỹ”, Andrew Tabler, cựu Giám đốc Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết. Áp lực gia tăng ở Baghdad để trục xuất quân đội Mỹ đã được nhấn mạnh bởi lời kêu gọi công khai của Sudani về việc rút quân kể từ vụ ám sát Abu Taqwa. Nếu ông thực hiện, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là một chiến thắng chiến lược cho Iran.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq đã lên xuống kể từ cuộc xâm lược 20 năm trước. Năm 2011, Mỹ đã rút toàn bộ lực lượng của mình khỏi Iraq và họ quay trở lại vào năm 2014 theo lời mời của Baghdad để chống lại IS. Nhưng, trong thời kỳ đó, lực lượng bán quân sự Shia được Iran hậu thuẫn đã nổi lên như những nhóm vũ trang hùng mạnh nhất ở Iraq. Được Iran đào tạo và tài trợ, các Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) cũng đã chiến đấu với IS. Một số nhóm, như Kata'ib Hezbollah, đã đi đầu trong các cuộc tấn công Mỹ ở Iraq. Người sáng lập nhóm, Abu Mahdi al-Mohandes bị giết trong cùng một cuộc không kích của Mỹ ám sát chỉ huy Iran Qassem Soleimani.

Bây giờ, PMF tự hào có hơn 150.000 chiến binh. Họ duy trì mạng lưới bảo trợ rộng lớn và nhiều người được đưa vào bộ máy an ninh nhà nước chính thức của Iraq, với Chính phủ Iraq trả lương cho họ. Họ bị cáo buộc bắt cóc, ám sát và đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. Việc Chính phủ Iraq liên tiếp không thể kiểm soát được quyền lực rộng lớn của PMF đã gây ra bất hòa giữa Baghdad và Washington.

Iran và Iraq có chung đường biên giới dài hàng nghìn dặm. Hai quốc gia có đa số người Shia này ước tính có 10 triệu lượt qua lại biên giới hằng năm, với nhiều người hành hương Iran đến thăm các đền thờ ở Karbala và Najaf. Iraq là điểm đến quan trọng thứ hai đối với hàng xuất khẩu của Iran và phụ thuộc vào Iran để đáp ứng khoảng 35 đến 40 phần trăm nhu cầu điện năng của mình. Iran chưa bao giờ ngại thể hiện sức mạnh kinh tế của mình đối với nước láng giềng. Nhưng, tài chính của Iraq cũng gắn chặt với Mỹ.

Lính Mỹ chiếm giữ xung quanh đại sứ quán ở Baghdad, ngày 31/12/2019. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.

Lính Mỹ chiếm giữ xung quanh đại sứ quán ở Baghdad, ngày 31/12/2019. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.

Là quốc gia sản xuất lớn thứ hai trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Iraq phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ để tài trợ cho chính phủ - bao gồm cả việc trả lương cho lực lượng bán quân sự do Iran hậu thuẫn. Số tiền thu được từ việc bán dầu của Iraq được gửi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York của Mỹ. Cuộc đàn áp gần đây của Mỹ đối với hoạt động rửa tiền ở Iraq đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Iraq, cho thấy ảnh hưởng to lớn của Washington đối với tài chính của Iraq do sự phụ thuộc của nước này vào đồng USD. Mỹ cũng ủng hộ lời kêu gọi đầu tư quốc tế vào Iraq của Sudan.

Khi Baghdad đe dọa trục xuất lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo khỏi Iraq sau vụ ám sát Soleimani năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã đe dọa cắt quyền tiếp cận dự trữ USD của Iraq và ngừng cấp miễn trừ trừng phạt cho Iraq để mua năng lượng của Iran, các cựu quan chức Mỹ quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết. Các quan chức tương tự cho biết rằng chính quyền Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên biện pháp trừng phạt này nếu việc trục xuất lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo tăng lên.

Nhưng, các quan chức Mỹ và Iraq hiện tại và trước đây cho biết Baghdad muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Washington. Thủ tướng Sudani đã đưa ra lời kêu gọi nhanh chóng rút quân khỏi liên minh do Mỹ lãnh đạo là cần thiết để duy trì “mối quan hệ song phương mang tính xây dựng” với Mỹ và có thể bao gồm việc đào tạo và cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq.

Huyền Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-va-ke-hoach-rut-quan-khoi-iraq-i743482/