Thấy gì từ vụ ông Trump bị ám sát hụt 2 lần

Vụ ám sát hụt ông Donald Trump lần 2 cho thấy nền chính trị Mỹ đã chịu tác động trực tiếp từ sự phẫn nộ xoay quanh cựu tổng thống.

Vài ngày sau khi ông Donald Trump chỉ trích cộng đồng nhập cư tại cuộc tranh luận trực tiếp với bà Kamala Harris hôm 10/9 bằng cách dẫn lại tin đồn thất thiệt về việc ăn thịt chó mèo, ở Springfield (Ohio) bắt đầu xuất hiện những lời đe dọa đánh bom nhằm vào trường học và tòa thị chính, làm dấy lên mối lo ngại và người dân buộc phải sơ tán khỏi các địa điểm công cộng.

Chỉ vài ngày sau, một người đàn ông bất mãn với cựu tổng thống đã mang theo khẩu AK-47 đến Câu lạc bộ Golf quốc tế Trump ở West Palm Beach, Florida với ý đồ rõ ràng là một vụ mưu sát, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cho biết.

Vụ mưu sát chỉ bị chặn đứng khi một mật vụ tinh ý phát hiện người đàn ông nói trên và nổ súng trước.

 Ryan Wesley Routh, người bị truyền thông Mỹ nêu tên là nghi phạm vụ ám sát hụt ông Trump, được cho là đã bị FBI bắt giữ để điều tra. Ảnh: New York Times.

Ryan Wesley Routh, người bị truyền thông Mỹ nêu tên là nghi phạm vụ ám sát hụt ông Trump, được cho là đã bị FBI bắt giữ để điều tra. Ảnh: New York Times.

Chỉ trong chưa đầy một tuần, cựu tổng thống, đồng thời cũng là người có khả năng một lần nữa trở thành lãnh đạo Nhà Trắng, đã đại diện cho 2 mặt của đồng xu: vừa là nguồn cơn thúc đẩy vừa là nạn nhân của bạo lực chính trị ở Mỹ, tờ New York Times nhận định.

Những lời đe dọa đánh bom và các vụ mưu sát giờ đây dường như đã trở thành một phần của nền chính trị xứ cờ hoa.

Tình trạng bạo lực chính trị gia tăng

“Một trong những điều tôi lo ngại nhất hiện nay là sự bình thường hóa nạn bạo lực chính trị trong hệ thống của chúng ta. Tình trạng này đang ngày càng có xu hướng gia tăng”, Hạ nghị sĩ Jason Crow của đảng Dân chủ nói trong một cuộc phỏng vấn.

“Đây là âm mưu ám sát thứ 2 chỉ trong vòng vài tháng. Điều này phản ánh mức độ phổ biến của tình trạng bạo lực chính trị hiện nay”, ông Crow nói thêm.

Tương tự vụ ám sát hụt ở Pennsylvania hồi tháng 7, ông Trump đã một lần nữa quy kết vụ mưu sát hụt hôm 15/9 (giờ địa phương) cho Tổng thống Joe Biden và bà Harris.

Ông Trump lập luận rằng các tay súng nhắm vào ông đã hành động theo những lời chỉ trích chính trị từ phía đảng Dân chủ.

“Những người này tin vào lời lẽ của ông Biden và bà Harris, sau đó hành xử theo lập trường ấy”, cựu tổng thống nói với Fox News một ngày sau khi sự việc ở Florida xảy ra.

“Lời lẽ của họ khiến tôi bị nhắm vào, trong khi tôi là người sẽ cứu lấy nước Mỹ còn họ lại hủy hoại đất nước này, từ cả bên trong lẫn bên ngoài”, ông Trump nói.

Những cáo buộc với ngôn ngữ quy chụp như vậy được đánh giá là không kém phần khiêu khích so với lời lẽ từ phía đảng Dân chủ dùng để miêu tả cựu tổng thống.

Chỉ trong vài giờ sau đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump gửi đi một email chỉ ra danh sách những cụm từ mà ông Biden, bà Harris và một số nhân vật khác của đảng cầm quyền sử dụng để công kích cựu tổng thống như “mối đe dọa cho nền dân chủ” hay “mối nguy của đất nước này”.

Trớ trêu thay, ngay trong cuộc tranh luận trước bà Harris tại Philadelphia, ông Trump cũng tuyên bố rằng “họ (đảng Dân chủ) là mối đe dọa cho nền dân chủ”.

 Ông Trump quy trách nhiệm cho đảng Dân chủ về việc mình bị ám sát hụt. Ảnh: WPEC.

Ông Trump quy trách nhiệm cho đảng Dân chủ về việc mình bị ám sát hụt. Ảnh: WPEC.

Elon Musk, một trong những người ủng hộ ông Trump nổi bật và có tiếng nói nhất, đi xa đến mức đặt câu hỏi: “Tại sao chưa có ai tìm cách ám sát bà Harris hay ông Biden?”.

Tỷ phú công nghệ này sau đó đã xóa bài đăng nói trên và cho biết ông chỉ đùa thôi. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã lập tức phản ứng.

“Bạo lực luôn luôn bị lên án, không phải là vấn đề để đùa hay khuyến khích”, Andrew Bates, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói. “Cách lập luận như vậy thật vô trách nhiệm”.

Nền chính trị với lịch sử hỗn loạn

Trong quá khứ, lịch sử nước Mỹ từng trải qua một số giai đoạn bạo lực chính trị. Bốn tổng thống Mỹ đã thiệt mạng khi đang tại nhiệm, một tổng thống khác bị bắn và trọng thương. Nhiều nhân vật khác làm việc trong Nhà Trắng cũng từng trở thành mục tiêu của các vụ mưu sát.

Dẫu vậy, hai nỗ lực ám sát bất thành nhắm vào một ứng viên tổng thống trong vòng hai tháng vẫn là điều hiếm thấy, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử đang ở thế sít sao.

Vụ việc tương tự nhất với trường hợp của ông Trump có lẽ là khi cố Tổng thống Gerald R. Ford bị ám sát hụt chỉ trong hơn 2 tuần vào năm 1975.

Tuy nhiên, một cách ám ảnh hơn, 2 vụ ám sát hụt nhắm vào ông Trump gợi nhớ đến năm 1968 khi Mục sư Martin Luther King Jr. và cố nghị sĩ Robert F. Kennedy bị bắn chết cách nhau 2 tháng.

 Thời điểm Martin Luther King Jr. bị ám sát đánh dấu kỷ nguyên đen tối của chính trị Mỹ khi tình trạng bạo lực diễn ra liên miên. Ảnh: Central Press.

Thời điểm Martin Luther King Jr. bị ám sát đánh dấu kỷ nguyên đen tối của chính trị Mỹ khi tình trạng bạo lực diễn ra liên miên. Ảnh: Central Press.

Thời điểm hiện tại, tâm điểm của sự bùng nổ bạo lực chính trị xoay quanh cựu Tổng thống Trump.

Hình tượng mà chính trị gia 78 tuổi vừa đem lại những người ủng hộ có xu hướng cực đoan, vừa kéo theo những cá nhân có hành động chống lại ông.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, không ít lần cựu tổng thống sử dụng ngôn từ khiêu khích trước công chúng. Ông từng khuyến khích các cử tri ủng hộ mình đánh đập những người la ó ở mít tinh và đe dọa bắn những người di cư không có giấy tờ.

Ông Trump còn từng dẫn đầu một đợt tấn công mạng nhắm vào chồng của chủ tịch Hạ viện, thậm chí từng úp mở rằng một đồng minh thân cận dưới trướng sẽ bị xử tử vì bất trung.

Trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 ở Điện Capitol, ông Trump đã phản đối lời kêu gọi của con gái và các cố vấn để lên tiếng ngăn chặn hành động của đám đông quá khích.

Chính khách gốc New York thậm chí còn cho rằng đám đông đã đúng khi muốn treo cổ Mike Pence, phó tổng thống dưới quyền ông lúc đó.

Ông Trump còn cho rằng những người tấn công Điện Capitol là người ái quốc và sẽ ân xá cho họ nếu tái đắc cử, theo New York Times.

Cựu tổng thống đã không dừng lại để suy ngẫm về tác động xuất phát từ lời nói của mình. Sau khi ông dẫn lại những tin đồn thất thiệt về việc người nhập cư ăn thịt chó mèo, không khí căng thẳng đã bao trùm Springfield, Ohio, và ông Trump không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn tình trạng này.

Sau khi nhận được 33 lời đe dọa đánh bom, thống đốc Ohio đã tuyên bố vào ngày 16/9 (giờ địa phương) rằng lực lượng hành pháp sẽ đi tuần mỗi ngày tại các trường học ở Springfield.

Khi được một phóng viên hỏi về tình hình trên, ông Trump đáp: “Tôi không biết gì về những lời đe dọa đánh bom cả”.

Mặt khác, những lời chỉ trích hướng tới ông Trump cũng đôi khi có chứa ngôn ngữ khiêu khích và bạo lực. Các đồng minh của ông từng đăng tải một video tổng hợp nhiều đối thủ của ông Trump nói rằng bản thân muốn đấm vào mặt cựu tổng thống hoặc những điều tương tự.

Một vài tiếng nói cực đoan hơn trên mạng xã hội những ngày qua thậm chí đã chế giễu những nỗ lực ám sát hụt nhắm vào ông Trump. Các đồng minh của cựu tổng thống gọi đây là Hội chứng rối loạn Trump và cho rằng những người chỉ trích ông quá căm phẫn cựu tổng thống đến mức loạn trí.

Những sự tức giận, khiêu khích và cả những lời đe dọa đánh bom và thậm chí là nỗ lực ám sát giờ đây ngày càng trở nên phổ biến và dần trở thành thước đo cho sự bạo lực chính trị của nước Mỹ.

Video hiện trường vụ bắt giữ nghi phạm ám sát hụt ông Trump Video ngắn từ camera bodycam mới được công bố hôm 16/9 cho thấy hiện trường vụ bắt giữ nghi phạm Ryan W. Routh trong vụ ông Trump bị ám sát hụt tại West Palm Beach, Florida.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-tu-vu-ong-trump-bi-am-sat-hut-2-lan-post1498236.html