Mỹ và Nga ấn định đàm phán an ninh, giải quyết căng thẳng về Ukraine

Các quan chức Mỹ và Nga sẽ tổ chức đàm phán an ninh vào ngày 10/1 để thảo luận về những lo ngại đối với hoạt động quân sự tương ứng của họ và tình hình căng thẳng gia tăng ở biên giới Ukraine.

Người phát ngôn của chính quyền Biden đã thông báo về thời điểm này vào cuối ngày thứ Hai (27/12) và cho biết Nga và NATO cũng có khả năng tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày 12/1, với một cuộc họp rộng hơn bao gồm Moscow, Washington và các nước châu Âu khác được tổ chức vào ngày 13/1.

Hôm nay (28/12), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã xác nhận thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán và nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán với Mỹ tại Geneva sẽ khởi động một quá trình mang lại cho Moscow những đảm bảo an ninh mới từ phương Tây.

Những đảm bảo như vậy là nhu cầu lâu nay của Nga, quốc gia đã khiến phương Tây lo lắng khi triển khai hàng chục nghìn binh sĩ đến gần Ukraine trong hai tháng qua.

Thứ trưởng Ryabkov cho biết cuộc họp NATO vào ngày 12/1 sẽ được tổ chức tại Brussels, trong khi các cuộc đàm phán vào ngày 13/1 sẽ có sự tham gia của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có trụ sở tại Vienna, bao gồm Mỹ và các đồng minh NATO, cũng như Nga, Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác.

Quan điểm của các bên

Việc Nga triển khai quân gần Ukraine đã làm gia tăng lo ngại ở phương Tây rằng Moscow có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công tiềm tàng vào quốc gia láng giềng, sau khi đã bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai đang chiến đấu ở miền đông Ukraine cũng như sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Nga đã phủ nhận kế hoạch tấn công nhưng nói rằng họ có thể thực hiện các hành động quân sự không xác định nếu các yêu cầu an ninh của họ không được đáp ứng.

Moscow tỏ ra lo lắng về việc phương Tây tái trang bị vũ khí cho Ukraine, đồng thời bày tỏ mong muốn có sự đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý, để NATO không mở rộng thêm về phía đông và một số vũ khí tấn công nhất định sẽ không được triển khai tới Ukraine hoặc các nước láng giềng khác.

Chính quyền Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu Nga tấn công Ukraine. Họ cũng nói rằng không thể hứa với một quốc gia có chủ quyền như Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Khi chúng tôi ngồi xuống để nói chuyện, Nga có thể đưa mối quan tâm của mình lên bàn đàm phán và chúng tôi cũng sẽ nói về quan ngại của mình về các hoạt động của Nga”.

"Sẽ có những lĩnh vực mà chúng tôi có thể đạt được tiến bộ và những lĩnh vực mà chúng tôi sẽ không đồng ý. Đó là những gì mà ngoại giao hướng tới", quan chức này nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai (27/12) đã ký thành luật một dự luật chi tiêu khổng lồ cung cấp 300 triệu đô la cho một sáng kiến hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Ukraine và hàng tỷ đô la khác cho quốc phòng châu Âu nói chung.

Mặc dù các bên đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, nhưng với những khác biệt hiện tại Mỹ, NATO, Ukraine và Nga khó hy vọng đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá để giảm căng thẳng.

Nguyễn Hoàng (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-va-nga-an-dinh-dam-phan-an-ninh-giai-quyet-cang-thang-ve-ukraine-post174665.html