Mỹ và Philippines lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin về các hoạt động của tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông.
“Hai ngoại trưởng đều bày tỏ sự lo ngại chung về số lượng tàu dân quân lớn của Trung Quốc có mặt tại Biển Đông, trong đó có những hoạt động ở bãi Đá Ba Đầu, cũng như kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 được ban hành theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển”, hãng tin Sputnik trích thông cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 9/4.
“Ngoại trưởng Mỹ Blinken và người đồng cấp Locsin cùng hoan nghênh việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong vấn đề Biển Đông”, thông cáo viết thêm.
Theo hãng tin Sputnik, chính quyền Bắc Kinh nhiều năm gần đây đã tăng cường các hoạt động và tuyên bố về chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, cũng như vi phạm lợi ích một số nước. Chính quyền Mỹ nhiều lần lên tiếng về các ‘hành động hung hăng’ của Trung Quốc trong khu vực, cũng như điều tàu chiến tới đây để thực hiện các chiến dịch tuần tra nhằm duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận.
Hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển.
Điều này cũng đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình và gây bất lợi cho quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên vùng biển khu vực.