Mỹ và phương Tây đang 'đổ thêm dầu vào lửa' xung đột Nga - Ukraine?
Việc Mỹ và phương Tây viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine được nhận định là đổ thêm 'dầu vào lửa', cản trở các cuộc đàm phán hòa bình và khiến cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài.
Hôm qua (23/5), Mỹ và hơn 20 quốc gia đã đồng ý đưa ra các gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine trong đó có việc cam kết cung cấp vũ khí, đạn dược và các nguồn thiết bị quân sự khác cho Kiev.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington sau cuộc họp trực tuyến với 40 quốc gia cũng như các đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Lloyd Austin) cho biết:
“Chúng tôi cũng đã nghe một số thông báo rất đáng hoan nghênh về việc hỗ trợ an ninh nhiều hơn nữa cho Ukraine. Khoảng 20 quốc gia đã công bố các gói hỗ trợ an ninh mới. Nhiều quốc gia đang tài trợ đạn pháo cực kỳ cần thiết, hệ thống phòng thủ bờ biển và xe tăng cũng như phương tiện bọc thép khác. Một số khác đưa ra cam kết mới về đào tạo lực lượng và duy trì hệ thống quân sự của Ukraine”.
Theo ông Austin, đáng chú ý nhất là Đan Mạch đang chuẩn bị gửi bệ phóng và đạn tên lửa đối hạm tầm xa Harpoon cho Ukraine. Tầm bắn của Harpoon có thể đe dọa các tàu chiến Nga ở khu vực phía bắc Biển Đen. Cộng hòa Séc gửi trực thăng tấn công, xe tăng, rocket các loại, còn Italy, Hy Lạp, Na Uy và Phần Lan công bố các khoản viện trợ mới liên quan đến những hệ thống pháo và đạn dược.
Hiện Ukraine vẫn tìm kiếm những vũ khí hiện đại hơn như tên lửa diệt hạm, phòng không và rocket tầm xa, nhưng đa số vũ khí họ nhận được cho đến nay đều là vũ khí tầm ngắn, như tên lửa chống tăng Javelin và pháo.
Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cảnh báo động thái tiếp thêm vũ khí cho Ukraine của Mỹ và phương Tây sẽ chỉ làm kéo dài xung đột, đồng thời tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu các lô vũ khí này khi chúng tới lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, trong tuyên bố hôm qua, điện Kremlin cho rằng, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ gây ra cuộc khủng hoảng trên toàn lục địa.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói: “Nga bày tỏ lo ngại về những tuyên bố của EU rằng, cuộc chiến phải đươc quyết định trên chiến trường. Việc phương Tây đổ thêm vũ khí vào Ukraine cũng như ý tưởng hóa quân sự sẽ không giúp tăng cường sự an toàn và ổn định tại châu Âu”.
Nhận định về những động thái cung cấp vũ khí ồ ạt của Mỹ và phương Tây cho Ukraine, giới phân tích cho rằng, những loại vũ khí mà phương Tây viện trợ sẽ giúp Ukraine đạt một số bước tiến trên chiến trường nhưng sự hỗ trợ này không phải là đòn bảy để chấm dứt xung đột bởi cho dù nhận được vũ khí thì Ukraine cũng rất khó đánh bại Nga về mặt quân sự. Việc bơm vũ khí cho Ukraine cũng đồng nghĩa đang kéo dài “sự đau khổ của người dân nước này”.
Thêm nữa động thái hỗ trợ quân sự của Mỹ, NATO cho Ukraine cũng gây ra mối đe dọa về bùng nổ xung đột quân sự ở biên giới phía Đông của châu Âu và nguy cơ leo thang thành xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ, bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại nhau. Chính vì thế, nếu thiếu vắng đối thoại ngoại giao nghiêm túc giữa các bên thì khả năng leo thang xung đột là rất khó ngăn chặn./.