Mỹ và Saudi Arabia đàm phán hợp tác khai thác kim loại cho pin xe điện

Saudi Arabia sẵn sàng chi 15 tỉ đô la để mua cổ phần ở các mỏ khai thác kim loại sử dụng ở pin xe điện trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi. Trong khi đó, Washington muốn ký kết thỏa thuận với Riyadh để mua kim loại sản xuất từ các mỏ này.

Người lao động vận chuyển các bao quặng ở một mỏ cobalt và đồng ở CHDC Congo. Mỹ và Saudi Arabia đang đàm phán thỏa thuận hợp tác khai thác kim loại ở châu Phi, bao gồm Congo. Ảnh: Getty

Người lao động vận chuyển các bao quặng ở một mỏ cobalt và đồng ở CHDC Congo. Mỹ và Saudi Arabia đang đàm phán thỏa thuận hợp tác khai thác kim loại ở châu Phi, bao gồm Congo. Ảnh: Getty

Tờ Wall Street Journal hôm 10-9 dẫn các nguồn tin cho biết Nhà Trắng và Saudi Arabia đang đàm phán một thỏa thuận hợp tác để tiếp cận nguồn cung các kim loại cần thiết cho tiến trình chuyển đổi năng lượng ở hai nước.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể đòi hỏi Saudi Arabia hỗ trợ nỗ lực của Mỹ nhằm bắt kịp Trung Quốc trong cuộc đua tìm kiếm cobalt, lithium và các kim loại khác sử dụng ở pin lithium-ion để cung cấp năng lượng cho xe điện, máy tính xách tay và điện thoại thông minh.

Các công ty Trung Quốc tinh chế 3/4 nguồn cung cobalt của toàn cầu và sản xuất khoảng 70% pin lithium-ion của thế giới. Điều này làm dấy lên mối lo ngại ở phương Tây về sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Quan hệ đối tác Mỹ-Saudi Arabia trong lĩnh vực kim loại xanh, nếu được thiết lập, sẽ đánh dấu một bước tiến tích cực cho hai nước, vốn trải qua nhiều căng thẳng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, Mỹ chỉ trích việc Saudi Arabia liên kết với Moscow để giữ giá dầu ở mức cao. Mỹ cũng cảnh giác trước động thái thắt chặt quan hệ với Trung Quốc của vương quốc dầu mỏ này, dù mối quan hệ Washington-Riyadh bắt đầu tan băng nhờ hợp tác thương mại ngày càng tăng.

Các nguồn tin cho hay, theo một đề xuất đang được thảo luận với chính quyền Tổng thống Joe Biden, một liên doanh do chính phủ Saudi Arabia hậu thuẫn sẽ mua cổ phần trong các mỏ kim loại ở các nước châu Phi như CHDC Congo, Guinea và Namibia. Sau đó, các công ty Mỹ được quyền mua một số sản phẩm từ mỏ thuộc sở hữu của Saudi Arabia.

Các hãng xe Mỹ đang tìm cách càng lấn sân sang lĩnh vực khai thác mỏ. Tuy nhiên, phần lớn cobalt lại trên thế giới nằm ở những có môi trường kinh doanh kinh doanh khó khăn như CHDC Congo. Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc một số công ty phương Tây có hành vi đưa hối lộ khi kinh doanh ở nước này.

Tuy nhiên, Saudi Arabia có thể linh hoạt hơn khi đầu tư vào các nước có tình trạng tham nhũng tràn lan. Điều này sẽ giúp các công ty Mỹ các rủi ro pháp lý liên quan đến hối lộ.

Riyadh cũng ít bị ràng buộc hơn về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị, điều đã hạn chế khả năng triển khai vốn của các nhà đầu tư phương Tây ở châu Phi.

Thỏa thuận hợp tác nói trên sẽ khởi động kế hoạch của Saudi Arabia, cường quốc dầu mỏ lâu đời nhất thế giới, nhằm thâm nhập vào ngành khai mỏ, tìm kiếm khoáng sản và kim loại ngay trong nước cũng như mua cổ phần trong các dự án trên khắp thế giới.

Đây là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa kinh tế của Saudi Arabia, bao gồm xây dựng ngành công nghiệp xe điện trong nước, các trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ và thiết lập các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo.

Theo các nguồn tin, Nhà Trắng đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính của các quỹ đầu tư có chủ quyền khác trong khu vực Trung Đông, nhưng các cuộc đàm phán với Saudi Arabia đạt được tiến triển xa nhất.

Cuộc đàm phán hợp tác trên là một phần trong sáng kiến lớn hơn của nhóm cường quốc G7 nhằm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu ở các nước đang phát triển. Hôm 9-9, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển hành lang kết nối CHDC Congo và Zambia với các thị trường toàn cầu thông qua cảng Lobito của Angola, đồng thời công bố một hành lang kinh tế xuyên lục địa kết Ấn Độ với châu Âu thông qua Saudi Arabia.

Trung Quốc đã xây dựng vị thế kiểm soát trong chuỗi cung ứng xe điện chủ yếu bằng cách mua lại các mỏ kim loại ở các nước châu Phi như CHDC Congo. Lợi thế chính của Trung Quốc là các công ty của nước này sẵn sàng trả giá cao hơn các công ty khác. Nhưng với nguồn quỹ đầu tư dồi dào, Saudi Arabia cũng sẵn sàng làm điều tương tự.

Hồi tháng 6, Quỹ đầu tư nhà nước Saudi Arabia (PIF), quản lý số tài sản 700 tỉ đô la, đã tiếp cận chính phủ Congo để đề xuất mua tài sản kim loại ở nước này thông qua liên doanh trị giá 3 tỉ đô la với Ma’aden, công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước Saudi Arabia. Congo cung cấp khoảng 70% sản lượng cobalt của thế giới.

Một số nguồn tin cho biết, hai bên đã thảo luận về một công ty có mục đích đặc biệt do Saudi Arabia tài trợ để đầu tư không chỉ vào các mỏ cobalt mà còn vào đồng và tantalum, một nguyên tố được sử dụng trong điện tử.

Một quan chức CHDCN Congo cho biết, chính phủ nước này đã thảo luận với Mỹ về việc xây dựng các nhà máy trong nước để tinh chế các kim loại thành vật liệu pin thay vì chỉ xuất khẩu quặng thô.

Manara Minerals, liên doanh giữa Ma’aden và PIF, đang tập trung tìm mua cổ phần thiểu số trong mỏ khoáng sản như quặng sắt, nickel và lithium, khi Saudi Arabia tìm cách xây dựng các ngành công nghiệp mới để giảm phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ.

Hồi tháng 7, Manara Minerals đã thực hiện thỏa thuận đầu tư đầu tiên: mua 10% cổ phần ở đơn vị kim loại cơ bản của Tập đoàn khai khoáng Vale (Brazil). Manara có kế hoạch chi hơn 15 tỉ đô la để mua cổ phần ở các mỏ khai khoáng trên toàn cầu trong vài năm tới.

Các cuộc đàm phán giữa Washington và Riyadh diễn ra khi các chính phủ và công ty tăng cường nỗ lực đảm bảo nguồn cung kim loại pin lớn hơn. Gần đây, Bắc Kinh đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với hai loại khoáng sản đất hiếm rất quan trọng đối với việc sản xuất bán dẫn. Động thái này làm nổi bật nguy cơ phương Tây phụ thuộc vào nguồn cung kim loại chiến lược của Trung Quốc.

Một số công ty phương Tây bắt đầu xây dựng các nhà máy tinh chế ở châu Phi để họ có thể xử lý quặng thô mà họ khai thác trên lục địa này, rồi xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu và Mỹ. Nhưng ngoài rủi ro tham nhũng, các nước trong khu vực này còn có cơ sở hạ tầng nghèo nàn và lao động tay nghề hạn chế.

Saudi Arabia quan tâm đến việc mua cổ phần thiểu số hơn là mua hoàn toàn đối với các mỏ ở châu Phi. Đây là điều mà các chính phủ trong khu vực ưu tiên khi họ tìm cách kiếm được phần lớn hơn từ doanh thu của các công ty khai thác mỏ trong làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc tài nguyên.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-va-saudi-arabia-dam-phan-hop-tac-khai-thac-kim-loai-cho-pin-xe-dien/