Mỹ và Trung Quốc bám đuổi sát nút trong cuộc đua công nghệ

Với ảnh hưởng rộng lớn của các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ, hiện không có bằng chứng nào có thể chứng minh được Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới công nghệ.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay là một cuộc cạnh tranh đa chiều . Ảnh minh họa: Canva

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay là một cuộc cạnh tranh đa chiều . Ảnh minh họa: Canva

Nhà khoa học chính trị Jon Schmid thuộc tập đoàn RAND của Mỹ mới đây có bài viết với tựa đề "Mỹ hay Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ". Tác giả cho biết, phần lớn các bài nghiên cứu tại Mỹ từ đầu năm 2023 đến nay đều cho rằng Trung Quốc đang dẫn đầu về các công nghệ hiện đại và thiết yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên, các bài báo khoa học đã không chỉ ra được các bằng chứng cụ thể và chính xác, nhất là khi chưa đánh giá hết về tác động toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ của các công ty hàng đầu của Mỹ như Amazon, Apple, OpenAI, Boeing, Moderna, Microsoft và Google.

Với ảnh hưởng rộng lớn của các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ, hiện không có bằng chứng nào có thể chứng minh được Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Theo Tiến sĩ Jon Schmid, thông thường để xác định người giành chiến thắng trong lĩnh vực công nghệ, ngoài các yếu tố "cạnh tranh công nghệ" hoặc "cạnh tranh chiến lược", thì phải sử dụng phương pháp đo lường cụ thể như việc so sánh số lượng các bằng sáng chế khoa học, ấn phẩm học thuật, tổ chức giáo dục hàng đầu hay công ty trị giá hàng tỷ USD. Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay là một cuộc cạnh tranh đa chiều liên quan đến các yếu tố công nghệ, kinh tế, quân sự và chính trị. Để đánh giá chính xác vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh này, cần chuyển trọng tâm từ cách tính ước lượng số sang các thước đo trực tiếp.

Kết quả kiểm chứng cho thấy, Trung Quốc đang có số lượng lớn các bài báo khoa học và bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì vị trí vững chắc trong việc phát triển AI tiên tiến. Đặc biệt khi Mỹ đang sở hữu các công ty như OpenAI, Microsoft và Alphabet, là các cơ sở nghiên cứu hàng đầu trong việc kiến tạo và phổ biến mô hình Ngôn ngữ lớn. Các công ty này là một phần của hệ sinh thái đổi mới rộng lớn hơn, cho phép các công nghệ mới phát triển mạnh và được áp dụng rộng rãi trong nền kinh tế toàn cầu. Mỹ có nhiều "kỳ lân công nghệ" và những công ty khởi nghiệp trị giá hơn một tỷ USD có sự hỗ trợ của các công ty đầu tư mạo hiểm đứng đằng sau, là nền tảng vững chắc về tài chính cũng như tiến bộ công nghệ, đảm bảo cho sự thành công về đổi mới công nghệ.

Nếu so sánh các con số cụ thể, thì Trung Quốc luôn dẫn đầu, nhưng về thực lực công nghệ cũng như việc vận dụng công nghệ trong đời sống thì Mỹ vẫn là số 1. Đối với Mỹ, để các đối thủ như Trung Quốc không có cơ hội vượt qua mình, việc đầu tư phát triển công nghệ và liên tục tiến hành đổi mới công nghệ là ưu tiên hàng đầu. Đi cùng với việc đổi mới công nghệ, thúc đẩy lực lượng lao động công nghệ cao, Mỹ cần tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện hàng loạt cơ chế giám sát từ cấp chính phủ đến trường đại học, ngành công nghiệp. Đến nay, các trường đại học Mỹ vẫn được coi là nơi rò rỉ nhiều sáng chế khoa học và chất xám công nghệ.

Việc tập trung vào những đặc điểm khác biệt này của Mỹ sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận từ một cuộc cạnh tranh dựa trên thước đo nghiêm ngặt, trong đó số lượng có thể làm lu mờ chất lượng, sang cách nhìn nhận dựa trên số liệu, sắc thái, gắn kết phương tiện với mục đích. Sự thay đổi này sẽ cho phép Mỹ tận dụng thế mạnh của mình, duy trì các giá trị cốt lõi và đặt nền tảng cho việc điều hướng và thành công trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung./.

Đoàn Hùng (P/v TTXVN tại Washington)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-va-trung-quoc-bam-duoi-sat-nut-trong-cuoc-dua-cong-nghe/303818.html