Mỹ và Trung Quốc chỉ còn ba tuần để tránh đàm phán thương mại đổ vỡ
Mỹ và Trung Quốc cần có thỏa thuận đình chiến mới để đẩy nhanh đàm phán, nếu không, có khả năng thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai bên sẽ phải lùi sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Trang The Interpreter của Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Australia) vừa đăng bài viết của nhà nghiên cứu John Edwards nhận định rằng sau một tuần hỗn loạn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9 tới, thị trường toàn cầu đã khởi sắc trở lại.
Giá cổ phiếu đang phục hồi và thị trường tiền tệ ổn định hơn. Hai bên không công bố hành động trả đũa nào mới và theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lần thứ 13 vẫn sẽ diễn ra tại Washington vào tháng tới.
Sự phục hồi của thị trường tài chính phản ánh niềm tin cuae giới đầu tư rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trên con đường hướng tới giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, có thể nói rằng niềm tin đó rất mong manh do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giờ đã thay đổi theo hướng phức tạp hơn nhiều và hai bên ngày càng khó khăn hơn trong việc đạt được một thỏa thuận.
Trước ngày 1/8, thời điểm ông Trump tuyến bố sẽ áp mức thuế mới từ tháng 9 tới đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán một gói nhượng bộ và cơ chế thực thi có thể giải quyết tranh chấp thương mại. Đó là một cuộc thảo luận rất khó khăn, nhưng ít nhất cũng tập trung vào các vấn đề chính. Tuy nhiên, kể từ khi quyết định áp dụng thuế quan bổ sung được đưa ra, cuộc đàm phán thực chất sẽ không thể tiếp tục nếu Washington và Bắc Kinh không có một thỏa thuận đình chiến nữa.
Hai bên sẽ phải có một cuộc đàm phán về thuế quan để cho phép các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại song phương tiếp tục. Nếu Mỹ thực sự áp mức thuế mới vào ngày 1/9, Trung Quốc sẽ nhanh chóng trả đũa. Trong trường hợp đó, thật khó để cuộc đàm phán thực chất tiếp tục vào cuối tháng Chín. Như đã thấy, các cuộc đàm phán đã được nối lại vào cuối tháng Bảy chỉ vì Mỹ đồng ý không áp thuế quan bổ sung như đã đe dọa.
Trọng tâm của tranh chấp vẫn là sự khác biệt giữa các yêu cầu của hai bên như đã thấy từ cuối tháng Tư. Gói biện pháp rộng rãi về sở hữu trí tuệ, hạn chế đầu tư, v.v ... dường như đã được thỏa thuận, mặc dù vẫn còn một khoảng cách lớn về việc Trung Quốc sẵn sàng mua thêm bao nhiêu hàng hóa từ Mỹ. Trong khi Trung Quốc khăng khăng đòi dỡ bỏ các mức thuế phạt như một phần của thỏa thuận, Mỹ lại muốn giữ nguyên cho đến khi Trung Quốc chứng minh được họ đang thực hiện các cam kết.
Quyết định của Tổng thống Trump ngày 1/8 dường như xuất phát từ sự khác biệt cơ bản này. Năm ngoái, Trung Quốc đã giảm một nửa lượng nhập khẩu đậu tương của Mỹ. Ông Trump dự kiến Bắc Kinh sẽ mua thêm đậu tương và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ để đổi lấy việc rút lại mối đe dọa về thuế quan bổ sung tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng Sáu. Nhưng theo lập trường cơ bản nêu ra tại các cuộc đàm phán này, Trung Quốc khẳng định bất kỳ sự nhượng bộ nào mà nước này đưa ra, bao gồm mua thêm nông sản Mỹ, phải được gắn với việc dỡ bỏ thuế quan, kể cả thuế quan bổ sung.
Nếu đúng như vậy, trong ba tuần tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ phải giải quyết sự khác biệt đó. Nếu không, rất có thể các cuộc đàm phán thực chất sẽ không thể diễn ra vào tháng Chín. Trong trường hợp này, rất có thể các cuộc đàm phán sẽ không được tiếp tục trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Từ nay đến sau bầu cử, cuộc thương chiến giữa hai bên sẽ tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới.
Để các cuộc đàm phán có thể diễn ra trong tháng Chín, phía Trung Quốc có thể thông báo tăng mua đậu tương và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ theo kế hoạch, trong khi chính quyền của Tổng thống Trump đưa ra lý do để hoãn thời hạn 1/9 mà ông đặt ra cho việc áp thuế bổ sung. Nếu không có các động thái trên, sự phục hồi của thị trường tài chính trong tuần qua chỉ là dựa trên sự lạc quan hoàn toàn sai lầm và có thể bị đảo ngược nếu các cuộc đàm phán theo kế hoạch vào tháng Chín bị đình lại, và khả năng này là rất có thể.
Nếu mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục bị chia tách, trở nên độc lập với nhau, và cản trở sự phát triển và thành công của nhau, toàn bộ ý tưởng về toàn cầu hóa - chủ đề kinh tế đã chi phối việc hoạch định chính sách kinh tế ở hầu hết các nước trong nửa thế kỷ qua, có nguy cơ bị đảo ngược.
Tình trạng bán tháo xảy ra trên thị trường chứng khoán diễn ra khi kế hoạch áp thuế quan bổ sung được công bố chính là một lời nhắc nhở về những gì sẽ xảy ra nếu các cuộc đàm phán thực sự bị đổ vỡ và dẫn tới hàng loạt biện pháp trả đũa tiếp theo./.