Mỹ vẫn sa lầy tại Afghanistan

Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ (Centcom) Kenneth McKenzie cho biết nước này sẽ giảm số quân đóng ở Iraq từ 5.200 xuống còn 3.000; đến cuối tháng 10-2020, số lượng quân Mỹ đóng ở Afghanistan giảm xuống còn 4.500 người.

Trước đó, có thông tin cho biết để thực hiện cam kết của Tổng thống Donald Trump liên quan đến việc Mỹ thoát khỏi các cuộc chiến "không hồi kết", Washington có kế hoạch rút một phần quân lính từ Iraq và Afghanistan trước cuộc bầu cử ngày 3-11.

Nếu việc Taliban ở Afghanistan bị lật đổ trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, al-Qaeda ở nước này bị thiệt hại nặng nề và Osama bin Laden bị tiêu diệt, có thể coi là thành quả quan trọng mà Mỹ giành được khi phát động cuộc chiến thì sự trỗi dậy trở lại của Taliban ở dãy núi phía Đông Afghanistan và việc al-Qaeda vẫn tồn tại chứng tỏ tình hình Afghanistan đã trở lại tình trạng như trước khi Washington phát động chiến tranh.

Có lẽ điều mà Mỹ bất ngờ là họ đã sa lấy ở Afghanistan, bị thiệt hại quá nhiều về người và của cải. Hình ảnh quốc gia của Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến năm 2019 có khoảng 2.400 binh sĩ Mỹ chết ở Afghanistan, hơn 20.000 binh sĩ bị thương. Chi phí mà Washington dành cho cuộc chiến này cũng lên tới hàng nghìn tỷ USD, đó là chưa bao gồm đồng minh của Mỹ, thiệt hại về người và của cải của quân đội Chính phủ Afghanistan.

Tình hình thực tế tàn khốc đó chứng tỏ cuộc chiến Afghanistan đã trở thành "một vết thương khó lành" làm suy giảm sức mạnh quốc gia của Mỹ. Hơn nữa, cuộc chiến này còn khiến danh tiếng "bất khả chiến bại" của quân đội Mỹ trong các cuộc chiến tranh từ đầu thế kỷ 21 đến nay bị hoen ố. Tình hình thực tế của cuộc chiến Afghanistan cũng buộc nhiều người Mỹ đánh giá thận trọng là có nên rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường này hay không.

Tổng thống Donald Trump chủ trương rút quân khỏi Afghanistan. Khi tranh cử Tổng thống, ông coi việc thoát khỏi những cuộc chiến "không hồi kết" là một trong những cam kết và khi lên nắm quyền đã bày tỏ ý định muốn rút quân khỏi Afghanistan. Ông là người đã từng tuyên bố phí tổn của Mỹ ở Afghanistan quá lớn, hơn nữa sự an toàn của quân đội Mỹ ở đây không được đảm bảo, năm nào cũng có nhiều người chết và bị thương. Việc chấm dứt cuộc chiến 20 năm gần như là điều nước Mỹ không thể níu kéo được nữa.

Lính Mỹ tại Afghanistan.

Lính Mỹ tại Afghanistan.

Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, nghị sĩ quốc hội và sĩ quan cấp cao lại không ủng hộ quyết định rút quân của Tổng thống Trump. Họ cho rằng việc rút quân quá nhanh sẽ phá hủy thành quả của Washington nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và al-Qaeda, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia Mỹ. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford nhận định việc sử dụng cụm từ "rút quân" là quá sớm, trong môi trường an ninh hiện nay, lực lượng an ninh của Afghanistan cần sự hỗ trợ của quân đội Mỹ.

Mỹ đã lấy danh nghĩa "chống khủng bố" để phát động cuộc chiến Afghanistan, và xác định Taliban là tổ chức khủng bố. Mỹ còn liên tục tuyên bố quyết không thỏa hiệp với bất kỳ tổ chức, lực lượng và phần tử khủng bố nào. Nhưng, điều gây bất ngờ là hiện nay Mỹ lại chuyển sang xem Taliban là đối tác đàm phán.

Thực ra, Mỹ và Taliban đã tiếp xúc và đàm phán, trải qua một quá trình từ bí mật đến công khai. Từ tháng 10-2018, Chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều vòng đàm phán với Taliban tại Doha (Qatar), hai bên từng sắp đạt được thỏa thuận vào tháng 9-2019 nhưng Tổng thống Trump đột nhiên ngừng đàm phán song phương với lý do Taliban tấn công làm binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Cuối năm 2019, hai bên khởi động lại đàm phán. Nhưng, điều gây khó hiểu là tiếp xúc và đàm phán giữa hai bên lại được tiến hành khi không có sự tham dự của Chính phủ Afghanistan, mặc dù chính phủ này có sự hậu thuẫn của Mỹ.

Hiện tồn tại một số bất đồng chính giữa Mỹ và Taliban. Với Taliban, quân đội nước ngoài đóng ở Afghanistan do Mỹ lãnh đạo là lực lượng xâm lược và chiếm đóng, nên toàn bộ phải rút khỏi nước này. Nhưng, đến nay Washington vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng đối với vấn đề này. Hai là vấn đề Chính phủ Afghanistan.

Mỹ yêu cầu Taliban đối thoại trực tiếp với Chính phủ Afghanistan nhưng Taliban lâu nay luôn từ chối thừa nhận chính phủ này. Ba là vấn đề ngừng bắn. Taliban cho rằng có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước với quân đội Mỹ nhưng có ngừng bắn với quân đội Chính phủ Afghanistan hay không thì lại là một vấn đề khác.

Mỹ và Taliban cuối cùng cũng đã ký thỏa thuận hòa bình vào ngày cuối cùng của tháng 2-2020 tại Doha, Qatar. Từ thỏa thuận hòa bình mà Mỹ ký với Taliban và tuyên bố chung Washington - Kabul, Mỹ và Taliban đã đạt được một số thỏa hiệp. Washington có cam kết giảm quy mô quân đội đóng tại Afghanistan và hơn một năm sẽ rút toàn bộ khỏi nước này. Đồng thời Taliban cũng đồng ý đối thoại và đàm phán với Chính phủ Afghanistan.

Thực ra, điều Mỹ thực sự quan tâm là làm thế nào chấm dứt cuộc chiến Afghanistan mà vẫn giữ thể diện, làm thế nào để rút khỏi Afghanistan thuận lợi. Một là vẫn tiếp tục giữ lại một ít quân ở Afghanistan hoặc duy trì sự hiện diện quân sự bằng một số hình thức khác. Hai là Chính phủ Afghanistan hiện tại có thể tiếp tục nắm quyền. Đương nhiên, đây chỉ là ý tưởng đơn phương của người Mỹ.

Thực tế đã chứng minh, diễn tiến của tình hình ở Afghanistan là điều mà Mỹ không thể hoàn toàn kiểm soát và điều khiển. Nếu Mỹ thực sự rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, có nghĩa là cuộc chiến do Washington phát động cuối cùng không những không giành được thành quả mà còn gây thương vong nhiều cho quân nhân Mỹ và tổn thất hàng trăm tỷ USD, ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín quốc gia. Tình thế tiến thoái lưỡng nan đó khiến quan chức Lầu Năm Góc và Nhà Trắng lâm vào thế khó hiện nay.

Vũ Dũng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/my-van-sa-lay-tai-afghanistan-616563/