Mỹ vào cuộc giúp tìm tàu ngầm Indonesia mất tích

Quân đội Mỹ triển khai lực lượng đi hỗ trợ tìm tàu ngầm Indonesia mất tích ngoài khơi Bali. Lượng oxy trên tàu được cho là chỉ còn đủ đến 3h ngày 24/4.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 22/4 (giờ địa phương) nói Mỹ "rất buồn" khi hay tin tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia mất tích.

Ông Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến điện đàm với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto hôm nay 23/4 để chia buồn, và thảo luận cách Mỹ có thể giúp đỡ tìm tàu ngầm gặp nạn, theo AFP.

Ông Kirby nói thêm rằng sau khi nhận được đề nghị từ chính phủ Indonesia, Mỹ đã triển khai thiết bị đến hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Trước đó, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết tàu bị mất liên lạc lúc 3h ngày 21/4, "nên oxy trên tàu có thể chỉ còn đủ đến cùng thời điểm vào ngày 24/4”.

Giám đốc Viện Hàng hải Quốc gia Indonesia, Siswanto Rusdi, nói với Straits Times rằng cơ hội tìm thấy người sống sót trên chiếc tàu ngầm mất tích ngoài khơi Bali là rất nhỏ.

Tàu nằm càng sâu, các thủy thủ bên trong phải chịu áp lực càng lớn, ông Siswanto cho biết.

"Trường hợp khả quan nhất là thủy thủ đoàn bị thương nặng như thủng màng nhĩ và vỡ mạch máu. Còn trường hợp xấu nhất là họ đã chết", ông Siswanto nói thêm.

Trong cuộc chạy đua với thời gian, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tối 22/4 nói ông đã lệnh cho tư lệnh quân đội, tham mưu trưởng hải quân, cơ quan tìm kiếm và cứu nạn cũng như các cơ quan khác "triển khai tất cả lực lượng và nỗ lực cao nhất để tìm kiếm và giải cứu thủy thủ đoàn”.

“Ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của 53 thủy thủ”, tổng thống Indonesia nói, theo Reuters.

 Tàu KRI Karel Satsuitubun-356 của hải quân Indonesia chuẩn bị cho chiến dịch giải cứu tàu KRI Nanggala-402. Ảnh: Reuters.

Tàu KRI Karel Satsuitubun-356 của hải quân Indonesia chuẩn bị cho chiến dịch giải cứu tàu KRI Nanggala-402. Ảnh: Reuters.

Tham mưu trưởng Margono nói vào thời điểm gặp nạn, con tàu trong tình trạng tốt và vận hành bình thường.

Cho đến nay, Indonesia vẫn chưa bắt được tín hiệu từ tàu ngầm mất tích, và không có dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn cố gắng thoát hiểm thủ công.

“Nếu họ làm như vậy, các tàu chiến và máy bay hiện đại được trang bị hệ thống sonar sẽ nhận được tín hiệu. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa nghe thấy gì", ông Siswanto nói.

Ông cũng lưu ý khả năng sonar của tàu cứu hộ có thể bị hạn chế, vì tàu ngầm được thiết kế để không thể bị phát hiện dưới nước.

Giới chức Indonesia lo ngại tàu có thể bị chìm sâu tới 700 m, vượt quá ngưỡng chịu đựng của tàu.

"Điều này nghĩa là áp lực ở độ sâu đó lớn đến mức thân tàu có thể bị hư hại. Những người sống sót có thể bị gãy xương và các vết thương nặng khác", ông Siswanto nói thêm.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-vao-cuoc-giup-tim-tau-ngam-indonesia-mat-tich-post1207327.html