Mỹ vượt mốc 16 triệu ca mắc Covid-19
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 7 giờ ngày 11-12, Mỹ có tổng cộng 16.021.305 ca mắc và 299.581 ca tử vong do Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 199.691 ca mắc và 2.862 ca tử vong. Mỹ vẫn cách biệt với các nước khác trên thế giới về tổng số ca bệnh/ca tử vong, số ca mắc/tử vong trong ngày.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 7 giờ ngày 11-12, Mỹ có tổng cộng 16.021.305 ca mắc và 299.581 ca tử vong do Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 199.691 ca mắc và 2.862 ca tử vong. Mỹ vẫn cách biệt với các nước khác trên thế giới về tổng số ca bệnh/ca tử vong, số ca mắc/tử vong trong ngày.
Với đà lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện nay, danh sách các nước vượt mốc một triệu ca mắc bệnh tiếp tục nối dài với 15 quốc gia. Trong đó, có năm nước châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Argentina, Colombia, Mexico); ba nước châu Á (Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran); bảy nước châu Âu (Nga, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ. Ngày 10-12, Thống đốc bang Virginia, ông Ralph Northam, đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời giới hạn số lượng người tụ tập không được quá 10 người để làm chậm sự lây lan của đại dịch.
Lệnh giới nghiêm được quy định từ nửa đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, trừ một số trường hợp ngoại lệ theo đặc thù công việc, người đi khám bệnh và mua thức ăn. Điều này nhằm hạn thế việc người dân có mặt tại các quán bar và nhà hàng… Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ thứ Hai tới và không thay đổi các quy tắc đang được áp dụng đối với các nhà hàng, cửa hàng hoặc nhà thờ.
Tháng trước, Thống đốc Northam cũng đã ra lệnh ngừng bán rượu tại chỗ sau 10 giờ tối và yêu cầu các nhà hàng phải đóng cửa trước nửa đêm. Tuy nhiên, các phòng ăn trong nhà vẫn được mở cửa với 50% công suất. Ngoài ra, Virginia cũng yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang khi ở với người khác trong không gian kín và giữ khoảng 2 m khi ở ngoài trời.
Virginia đang chứng kiến biều số ca mắc tăng, với trung bình hơn 3.700 trường hợp mỗi ngày, cao hơn gấp ba lần so với mức đỉnh 1.200 ca nhiễm/ngày ghi nhận hồi tháng 5. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại bang này là 11%, tăng từ 7% so với một tháng trước.
Ủy ban tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan (VRBPAC) thuộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức hợp tác phát triển.
VRBPAC thông qua khuyến nghị nêu trên với 17 phiếu thuận, bốn phiếu chống và một phiếu trắng. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu này không đồng nghĩa vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer và BioNTech sẽ được cấp phép sử dụng ngay lập tức. FDA vẫn chưa quyết định có chấp thuận khuyến nghị của VRBPAC hay không, song đã phát đi tín hiệu sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vaccine này.
Theo quy trình, Ủy ban Tư vấn miễn dịch (ACIP) thuộc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cần phải nhóm họp để quyết định xem có khuyến nghị triển khai sử dụng vaccine này hay không. Dự kiến, cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 11-12 (theo giờ Mỹ) và sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc này trong khuôn khổ một cuộc họp khác dự kiến diễn ra vào ngày 13-12. Sau đó, VRPBAC dự kiến tiến hành một cuộc họp trong tuần tới để thảo luận về đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng dược phẩm Moderna.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh trước đó xuất hiện thông tin bốn tình nguyện viên tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech đã bị liệt cơ một bên mặt sau khi tiêm loại vaccine này. Giới chức FDA đã bác bỏ khả năng đây là tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, nêu rõ không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy mối liên quan giữa việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 và hiện tượng trên.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến cáo các bác sĩ cần theo dõi sát các tác dụng phụ đối với tình nguyện viên. Các nhà khoa học từng ghi nhận các trường hợp liệt cơ một bên mặt là tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm một loại vaccine phòng cúm giai đoạn 2001-2002 tại Thụy Sĩ. Loại vaccine này sau đó đã bị thu hồi và cấm sử dụng.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 11-12 (giờ Việt Nam):
Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 16.021.305 ca mắc, 299.581 ca tử vong
2. Ấn Độ: 9.796.992 ca mắc, 142.222 ca tử vong
3. Brazil: 6.783.543 ca mắc, 179.801 ca tử vong
4. Nga: 2.569.126 ca mắc, 45.280 ca tử vong
5. Pháp: 2.337.966 ca mắc, 56.940 ca tử vong
6. Anh: 1.787.783 ca mắc, 63.082 ca tử vong
7. Italy: 1.787.147 ca mắc, 62.626 ca tử vong
8. Thổ Nhĩ Kỳ: 1.748.567 ca mắc, 15.751 ca tử vong
9. Tây Ban Nha: 1.734.386 ca mắc, 47.344 ca tử vong
10. Argentina: 1.482.216 ca mắc, 40.431 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 598.933 ca mắc, 18.336 ca tử vong
2. Philippines: 445.540 ca mắc, 8.701 ca tử vong
3. Myanmar: 104.487 ca mắc, 2.201 ca tử vong
4. Malaysia: 78.499 ca mắc, 396 ca tử vong
5. Singapore: 58.297 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 4.169 ca mắc, 60 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.385 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 356 ca mắc
9. Brunei: 152 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 19.228.312 ca mắc, 444.135 ca tử vong
2. Châu Á: 18.757.867 ca mắc, 307.881 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 18.520.813 ca mắc, 441.926 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 11.783.996 ca mắc, 337.078 ca tử vong
5. Châu Phi: 2.339.315 ca mắc, 55.357 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 46.414 ca mắc, 1.033 ca tử vong
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/my-vuot-moc-16-trieu-ca-mac-covid-19-627767/