Mỹ xem xét mọi khả năng và tuyến đường để tiếp tục sơ tán công dân

Người dân xếp hàng chờ lên máy bay quân sự để rời Afghanistan tại sân bay Kabul, ngày 24/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

* Qatar thảo luận với Taliban việc nối lại hoạt động của sân bay

Ngày 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington đang xem xét mọi khả năng và tuyến đường có thể để tiếp tục sơ tán công dân và người có tư cách thường trú hợp pháp tại nước này rời khỏi Afghanistan.

Phát biểu với báo giới, bà Nuland nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại với Taliban vì lợi ích của mình và các đồng minh, đồng thời sẽ theo dõi sát hành động của Taliban. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng Taliban sẽ được hưởng nhiều lợi ích, nếu có thể điều hành Afghanistan khác với cách thức cầm quyền trước đây.

Theo bà Nuland, hiện còn khoảng từ 100 đến 200 người Mỹ vẫn ở Afghanistan và nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo đảm sơ tán tất cả công dân và thường trú nhân hợp pháp của Mỹ cùng những người từng làm việc cho Washington muốn rời khỏi Afghanistan.

Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington đang nỗ lực thu xếp tiếp nhận khoảng 50.000 người tị nạn Afghanistan tại các căn cứ quân sự trước khi chuyển họ cho các tổ chức hoạt động hỗ trợ tái ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Marki Milley bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng Taliban đã thay đổi so với trước đây. Theo ông, cần có thêm thời gian mới có thể đánh giá được sự thay đổi của lực lượng này.

Trong giai đoạn cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, chế độ Taliban thực thi nhiều chính sách hà khắc tại quốc gia Tây Nam Á này dựa trên cách giải thích cực đoan theo luật Hồi giáo Sharia.

Cũng trong ngày 1/9, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết liên minh này nói riêng và phương Tây nói chung cần tiếp xúc với Taliban nhưng sẽ không vội vàng công nhận chính thức lực lượng này là nhà cầm quyền mới của Afghanistan.

Phát biểu với các thành viên Nghị viện châu Âu tại Brussels, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành của Ủy ban châu Âu về châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng quan hệ chính thức với Taliban sẽ chỉ diễn ra nếu lực lượng này đáp ứng các điều kiện cụ thể, trong đó có tôn trọng nhân quyền và bảo đảm quyền tiếp cận không cản trở cho các nhân viên cứu trợ.

Theo ông Wiegand, điều kiện chủ chốt EU đặt ra trong việc thiết lập quan hệ chính thức với Taliban là việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp mang tính đại diện nhiều thành phần.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, một nhóm kỹ thuật của Qatar đã đến thủ đô Kabul của Afghanistan để thảo luận việc nối lại hoạt động của sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thành phố này sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á và các lực lượng nước ngoài rút đi.

Theo một nguồn thạo tin, mặc dù chưa có thỏa thuận cuối cùng nào đạt được trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật của Qatar bắt đầu cuộc thảo luận dựa trên yêu cầu của Taliban. Hiện các cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề an ninh và hoạt động của sân bay nhằm nối lại các chuyến bay viện trợ nhân đạo và đảm bảo quyền tự do đi lại, trong đó có nỗ lực tiếp tục sơ tán.

Trên Twitter, truyền thông Ả-rập dẫn lời một người phát ngôn Taliban cho biết đã "chính thức yêu cầu Qatar hỗ trợ quản lý sân bay càng sớm càng tốt".

Tính đến ngày 31/8 - thời điểm Mỹ rút toàn bộ quân, hơn 123.000 công dân nước ngoài và người Afghanistan đã rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này bằng đường hàng không. Giới chức Mỹ cho biết tình trạng sân bay Kabul rất xấu, phần lớn cơ sở hạ tầng cơ bản xuống cấp hoặc bị phá hủy.

Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ trong những năm gần đây và là điểm trung chuyển cho khoảng 43.000 người sơ tán khỏi Afghanistan.

Trong khi đó, lực lượng kháng chiến tại tỉnh Panjshir, Đông Bắc Afghanistan, tuyên bố tiếp tục chiến đấu chống lại Taliban sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên không mang lại kết quả.

Lực lượng Mặt trận kháng chiến quốc gia (NRF) nhấn mạnh: "Sau khi đàm phán thất bại cùng cuộc tấn công mới nhất của Taliban, chúng tôi quyết định chấm dứt đàm phán và tiến hành chiến đấu chống Taliban cùng các khu vực khác của Afghanistan". NRF cũng cho biết đã từ chối đề nghị của Taliban về việc trao cho lực lượng này từ 1-2 ghế trong chính phủ đang được thành lập.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem khẳng định lực lượng này sẽ không đánh chiếm Panjshir, phủ nhận thông tin lãnh đạo phe kháng chiến tuyên bố đàm phán thất bại và Taliban đang có kế hoạch tấn công mở đường vào tỉnh.

Kể từ khi Taliban kiểm soát Kabul ngày 15/8 vừa qua, Panjshir vẫn là tỉnh duy nhất lực lượng này không giành được quyền kiểm soát.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263455/my-xem-xet-moi-kha-nang-va-tuyen-duong-de-tiep-tuc-so-tan-cong-dan.html