Myanmar: 14 người biểu tình thiệt mạng trong ngày 29/3

14 người biểu tình thiệt mạng vào ngày thứ Hai (29/3) trong các nỗ lực dập tắt biểu tình của lực lượng an ninh Myanmar. Tình trạng bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này đã khiến hơn 500 người chết kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1/2.

Thêm 14 người biểu tình Myanmar thiệt mạng vào ngày 29/3 - Ảnh: AP

Bài liên quan

Hoa hậu Myanmar khẩn thiết kêu gọi quốc tế giúp đỡ chấm dứt bạo lực tại quê nhà

Thêm 12 người biểu tình Myanmar thiệt mạng sau ‘ngày thứ Bảy đẫm máu’

Bộ trưởng Quốc phòng của 12 quốc gia lên án quân đội Myanmar

Số người thiệt mạng trong "ngày biểu tình đẫm máu" ở Myanmar đã lên tới 114 người

Bất chấp bạo lực, những người biểu tình Myanmar vẫn đổ ra đường ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước trong ngày hôm qua, sau khi lực lượng an ninh nước này khiến 114 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ hôm thứ Bảy, đánh dấu ngày bạo lực nhất kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng Hai.

Những người chết hôm thứ Hai (29/3) gồm ít nhất 8 người ở Nam Dagon, ngoại ô cố đô Yangon; 2 người trong vụ xả súng ở thị trấn trung tâm Myingyan và 4 người ở những nơi khác của Myanmar.

Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh sử dụng một loại vũ khí cỡ nòng lớn hơn bình thường nhiều lần để phá huy các hàng rào bao cát, trong khi một nhóm cộng đồng đăng trên mạng xã hội hình ảnh một người lính dùng súng phóng lựu.

Truyền hình nhà nước cho biết lực lượng an ninh đã sử dụng "vũ khí chống bạo động" để giải tán một đám đông "những kẻ khủng bố bạo lực" đang phá hủy một vỉa hè và một người đàn ông bị thương.

Một trong những nhóm chính đứng sau các cuộc biểu tình, Ủy ban tổng đình công các dân tộc, đã kêu gọi các lực lượng dân tộc thiểu số trên Facebook giúp đỡ những người đứng lên chống lại sự "áp bức bất công" của quân đội.

“Các tổ chức vũ trang dân tộc phải bảo vệ người dân một cách tập thể”, Nhóm kêu gọi trên mạng xã hội.

Quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc khác nhau đã chiến đấu với chính quyền trung ương trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự trị lớn hơn. Mặc dù nhiều nhóm đã đồng ý ngừng bắn, nhưng giao tranh lại bùng phát trong những ngày gần đây giữa quân đội và các lực lượng ở cả phía đông và phía bắc.

Cả Liên minh Quốc gia Karen (KNU) và Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đều bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào chống đảo chính và kêu gọi quân đội ngừng bạo lực đối với những người biểu tình thường dân.

Các cuộc đụng độ nghiêm trọng đã diễn ra vào cuối tuần gần biên giới Thái Lan giữa quân đội và các chiến binh thuộc lực lượng dân tộc thiểu số lâu đời nhất của Myanmar, Liên minh Quốc gia Karen (KNU). Khoảng 3.000 dân Myanmar đã phải chạy sang Thái Lan khi máy bay của quân chính phủ ném bom khu vực KNU sau khi lực lượng này tấn công một đồn quân sự và giết chết 10 người.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, hàng trăm nghìn người đã đổ xuống đường bất chấp nguy hiểm để bày tỏ sự phản đối đối với chính quyền quân sự. 510 dân thường đã thiệt mạng trong gần hai tháng nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình của quân đội Myanmar.

Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực bằng nhiều cách để thuyết phục và gây sức ép với các tướng lĩnh quân đội Myanmar giảm bạo lực đối với các cuộc biểu tình hòa bình và thả những người vô tội trong đó có bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch đảng NLD cầm quyền và các quan chức chính phủ khác.

Tuy nhiên, đến thời điểm này không có dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ từ lãnh đạo quân đội khi các vụ bạo lực với người biểu tình vẫn tiếp diễn.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/myanmar-14-nguoi-bieu-tinh-thiet-mang-trong-ngay-29-3-post125566.html