Myanmar: Trung Quốc viện trợ vaccine COVID-19 cho nhóm dân tộc thiểu số
Một nhóm dân tộc thiểu số Myanmar vừa tuyên bố được Trung Quốc đồng ý hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 - vài ngày sau khi Bắc Kinh chuyển giao thêm vaccine viện trợ cho chính quyền quân sự.
Đại diện lực lượng vũ trang của nhóm dân tộc thiểu số Kachin (KIA) ở Myanmar - ông Col Naw Bu ngày 24-7 chia sẻ với hãng tin AFP rằng Trung Quốc đã cung cấp hơn 10.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm này.
Ông Col Naw Bu cho hay số vaccine nói trên sẽ được chính quyền tỉnh Vân Nam (là tỉnh phía nam Trung Quốc giáp biên giới với Myanmar, gần địa bàn hoạt động của KIA) chuyển qua trong thời gian tới. Người này không nói KIA đã nhận được loại vaccine nào và thời điểm lô vaccine đầu tiên được gửi đến.
Ông Naw Bucho hay KIA trước đó đã chủ động nhờ Trung Quốc hỗ trợ vaccine và đến nay thì Trung Quốc đáp ứng thỉnh cầu này. Dù vậy, ông Col Naw Bu cũng nói thêm rằng trong số 10.000 liều thì có một lượng là KIA tự bỏ tiền mua, số còn lại là Trung Quốc tặng.
Theo AFP, hồi ngày 22-7, một lô vaccine Sinopharm khoảng 738.000 liều của Trung Quốc viện trợ cho chính quyền quân sự Myanmar cũng được đưa đến TP Yangon. Các quan chức Myanmar cho biết cư dân dọc biên giới với Trung Quốc sẽ được ưu tiên tiêm số vaccine này.
Việc viện trợ cho cả hai bên như vậy phản ánh nỗi lo của chính quyền Trung Quốc trước khả năng dịch tràn từ biên giới Myanmar qua lãnh thổ nước này, nhất là khi dịch ở Myanmar đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Hãng tin Reuters cho biết hiện tỉnh Vân Nam có hai ổ dịch lây lan mạnh tập trung ở hai thành phố Thụy Lệ và Long Xuyên giáp với biên giới Myanmar. Hai ổ dịch này hồi đầu tháng 7 sau khi nhà chức trách địa phương phát hiện khoảng 10 công dân Myanmar làm ăn ở đây nhiễm COVID-19.
Trong thông báo tuần trước trên trang Facebook chính thức, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar - ông Chen Hai cho biết số lượng ca nhiễm COVID-19 tại các địa phương giáp biên giới Myanmar đang tăng dần từng ngày, giới chức ở các địa phương đang nỗ lực hết sức để kiểm soát tình hình.
Trong một diễn biến khác có liên quan, từ sau cuộc chính biến hồi ngày 1-2, xung đột giữa các nhóm vũ trang thiểu số và quân đội Myanmar tiếp tục leo thang. Hồi tháng 5, quân đội đã tiến hành các cuộc không kích liên tục vào nơi hoạt động của KIA nhưng bị nhóm này bắn rơi một trực thăng.