Myanmar: Vũ khí tự chế 'vô hiệu', nhiều người biểu tình thiệt mạng
Ít nhất 11 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại một thị trấn phía Tây Bắc Myanmar hôm 8-4 sau khi xe tải quân đội được triển khai nhằm dập tắt cuộc biểu tình.
Truyền thông Myanmar gồm các hãng tin Myanmar Now và Irrawaddy hôm 8-4 đưa tin những người biểu tình trang bị súng tự chế, dao và bom lửa chống trả quân đội ở thị trấn Taze trong khi có thêm nhiều binh sĩ được điều đến.
Các cuộc đụng độ tiếp diễn vào sáng 8-4 khiến ít nhất 11 người biểu tình thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương. Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về thương vong phía quân đội. Taze gần thị trấn Kale, nơi ít nhất 12 người thiệt mạng trong một cuộc đụng độ tương tự giữa quân đội và người biểu tình hôm 7-4, theo truyền thông và các nhân chứng.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) Myanmar, số người thiệt mạng lên tới hơn 600 và 2.800 người đang bị giam giữ kể từ sau khi quân đội lật đổ chính quyền bà Aung San Suu Kyi trong cuộc đảo chính hôm 1-2.
Một thành viên của Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (Quốc hội liên bang Myanmar) trong ngày 9-4 sẽ phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại New York.
Đây sẽ là cuộc thảo luận công khai đầu tiên về Myanmar của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ sau cuộc đảo chính.
Đến nay, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác đã áp đặt biện pháp trừng phạt lên các tướng lĩnh liên quan đến cuộc đảo chính và một số người thân của họ, cũng như hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát.
Trong động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ, Myanmar Gems Enterprise (MGE), chịu trách nhiệm cấp giấy phép khai thác đá quý ở Myanmar, bị liệt vào danh sách đen. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ hạn chế khả năng tạo ra thu nhập của chính quyền quân sự Myanmar.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên các nguồn doanh thu của chính quyền quân sự cho đến khi chấm dứt tình trạng bạo lực, trả tự do cho người bị giam giữ, dỡ bỏ thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, dỡ bỏ các hạn chế viễn thông và khôi phục nền dân chủ.
Hiện có ít nhất 6 nhà lập pháp thuộc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ đang trú ẩn ở Ấn Độ. Một cảnh sát Ấn Độ xác nhận họ nằm trong số khoảng 1.800 người đã nhập cảnh từ Myanmar kể từ cuối tháng 2.