Nà Hạ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn có những vườn cây ăn quả ngút tầm mắt, những vườn xoài được gắn biển sản xuất theo hướng hữu cơ được bà con bao trái phòng, chống sâu bệnh... Đây là kết quả từ thay đổi tư duy làm nông nghiệp của các hộ dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, canh tác lạc hậu, dần bắt nhịp khoa học kỹ thuật, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và gắn sản xuất với tiêu thụ.
Mô hình trồng 1,5 ha xoài của ông Lò Văn Phớ được gắn biển mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Ông Phớ chia sẻ: Năm 2015, tôi đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng xoài Đài Loan. Ban đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm, gia đình nghiên cứu học tập trên sách, báo và học hỏi kinh nghiệm các hộ trong vùng. Vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả phát triển mạnh, thay vì tập trung nâng cao năng suất, gia đình quan tâm đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị cây trồng. Gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tận dụng bã bùn mía để ủ phân hữu cơ, nên đất được cải tạo tốt hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất. Năm 2021, chúng tôi thu hoạch 25 tấn xoài, thu hơn 200 triệu đồng. Còn hộ ông Lò Văn Pầng có 4,5 ha xoài Đài Loan, trong đó có 1 ha đã cho thu hoạch. Đang thực hiện bao trái cho xoài, ông Pầng nói: Bao trái cho xoài có nhiều lợi ích, giúp quả không bị sâu bệnh, mẫu mã đẹp hơn, khi tiêu thụ, xuất khẩu được thị trường ưa chuộng hơn. Vài năm trở lại đây, gia đình tôi đều thực hiện bao trái, áp dụng kỹ thuật tỉa cành tạo tán, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Năm 2021, với 1 ha xoài cho thu hoạch, sản lượng đạt 15 tấn, chủ yếu bán cho thương lái đến tận vườn thu mua. Hiện nay, gia đình đã đăng ký tham gia thành viên HTX của bản, hy vọng sau khi HTX hoạt động sẽ xây dựng được chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn, bền vững.
Hiện, vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đang được bà con trong bản Nà Hạ đặc biệt quan tâm. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn và thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp, Ban quản lý bản Nà Hạ đã tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký tham gia thành viên của HTX tại bản và đang hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX.
Ông Lò Văn Cương, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Nà Hạ, cho biết: Khi họp bàn, tuyên truyền về chủ trương thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp tại bản được bà con đồng tình, nhất trí cao với 14 hộ đăng ký tham gia thành viên HTX, diện tích sản xuất 28 ha cây ăn quả. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục được cấp Giấy chứng nhận đăng ký HTX. Đồng thời, hướng dẫn HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.
Tùy vào khả năng, diện tích đất canh tác của từng thành viên, HTX và Ban quản lý bản sẽ phân công, định hướng các hộ sản xuất phù hợp. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX lân cận để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Việc chuyển đổi trồng cây ăn quả ở bản Nà Hạ bắt đầu từ những năm 2014, đến nay, toàn bản có khoảng 100 ha cây ăn quả các loại, gồm: Xoài Đài Loan và nhãn, bưởi; trong đó, cây xoài là chủ lực với 80 ha. Việc chuyển đổi sản xuất sang các cây trồng giá trị đã góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho bà con trong bản.
Ông Tòng Văn Ơn, Trưởng bản Nà Hạ, thông tin: Đến nay, bản còn 9 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo; số hộ khá giàu tăng, xây dựng được nhà cửa kiên cố từ trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/người/năm. Do HTX mới được triển khai tại bản nên rất cần có thêm những lớp đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho các thành viên HTX; tư vấn, hỗ trợ pháp lý giúp các hộ thành viên HTX vay vốn ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Thời gian tới, các hộ dân bản Nà Hạ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.