Na ná chuyện 'Tái ông mất ngựa' trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ

Một trong những nhân vật được tác giả khắc họa đậm nét trong tiểu thuyết CÂY THAU LÁ của Quân Yên là Trương Tồn, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Trương Tồn là con ông Trương Tốn từng là Bí thư tỉnh lớn.

Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) vừa được NXB Hội Nhà văn Quyết định số 280 /QĐPH phát hành toàn quốc từ ngày 7-6-2024.

Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) vừa được NXB Hội Nhà văn Quyết định số 280 /QĐPH phát hành toàn quốc từ ngày 7-6-2024.

Mặc dù có tỳ vết từng bị kỷ luật cảnh cáo khi làm Giám đốc Công ty quản lý công trình đô thị lúc còn tỉnh lớn, có dấu hiệu tham ô tài sản Nhà nước khi chưa tái lập tỉnh nhưng Trương Tồn sau khi tái lập tỉnh “cung quan lộ” phất lên cứ như diều gặp gió, leo lên đến chức Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, tiếp tục dùng mọi ngón đòn để đoạt chức Bí thư Tỉnh ủy nhưng bất thành.

Câu chuyện về nhân vật Trương Tồn có nguồn gốc từ tiểu thuyết Tơ Vò và tiếp nối sang tiểu thuyết CÂY THAY LÁ. Dựa vào thế “hậu duệ” và “thái tử đỏ”, được Phụng Tiên, Hoàng Trương Cù, Tư Túc, Lý Tơ trong Ban thường vụ tỉnh giúp sức, viết đơn để thân phụ Trương Tồn nhân danh nguyên Bí thư tỉnh lớn, là lão thành các mạng, tố cáo tiêu cưc, tham nhũng ở địa phương. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến 2 dự án BT (xây dựng - Chuyển giao) và việc thu, nộp tiền sử dụng đất khu đô thi sinh thái nam Hồ Cò nhưng không khởi tố bị can. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã có kết luận chính thức dừng khởi tố vụ án theo đơn thư của thân phụ Trương Tồn. Vì đơn thư tố cáo không xuất phát từ động cơ đúng đắn mà sử dụng như một công cụ phục vụ tham vọng “quan trường”. Cha con Trương Tồn và phe cánh dùng nhiều chiêu trò “hiểm độc” nhằm hạ gục đối thủ nhưng đều bị thất bại.

Trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ, tác giả phản ánh việc Thùy Lê, Bí thư Tỉnh ủy; Lý Tơ, Chủ tịch tỉnh cùng bị bắt, khám xét nhà cửa làm cho cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trương Tồn vừa mừng vừa lo. Mừng vì đối thủ mà Trương Tồn cùng phe cánh thua cuộc trong cuộc đua chức Bí thư Tỉnh ủy từ khóa trước (2015 – 2020), sang đến khóa này (2020 -2025) mà Thùy Lê thắng cuộc, bỗng bị tra tay vào còng số 8 đầu tháng 3/2024 vì nhận hối lộ của thằng đại gia Tiền Nổ. Nếu mà Trương Tồn thắng cuộc làm Bí thư Tỉnh ủy thì cũng khó thoát khỏi tội “nhận hối lộ” như Thùy Lê, Lý Tơ.

Trương Tồn ngẫn nghĩ: Hóa ra không trúng Bí thư Tỉnh ủy lại là may mắn mà lâu nay cay cú, buồn bực, ấm ức ! Tính hiếu thắng của Trương Tồn được bộc lộ rõ ở sự vui mừng gọi điện thoại khắp nơi mời những người cùng phe cánh, kể cả những người tỉnh lân cận thuộc “đất Tổ” quá bộ đến nhà hàng đặc sản làng quê gần tư gia hắn liên hoan ăn mừng khi Thùy Lê là kình địch mấy năm trước đây cùng nhiều thuộc hạ bị bắt vào trại giam về tội nhận hối lộ của đại gia Tiền Nổ..

Bốc đồng hỉ hả là thế nhưng Trương Tồn cũng lo vì đã trót viết đơn không chỉ tố giác Thùy Lê mà lại khen Lý Tơ năng động, sáng tạo trong việc điều hành hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh, mà bị phiếu tín nhiệm thấp giữa nhiệm kỳ là có “dấu hiệu bất thường” cần sớm làm rõ, xử lý nghiêm. Nhưng không ngờ Lý Tơ cũng bị bắt, khám xét nhà riêng cùng lúc với Thùy Lê cũng về tội “nhận hối lộ” của đại gia Tiền Nổ. Hóa ra chúng nó cũng cùng một giuộc. Trương Tồn vội vàng khen Lý Tơ bằng giấy trắng mực đen hóa ra lại bị hớ, hấp tấp, hồ đồ.

Càng nghĩ những biến cố xảy ra gần đây, Trương Tồn càng lo lắng, vì khi đương nhiệm, chính Tiền Nổ cũng là kẻ chung chi, cung cấp tài chính cho mình để chạy chức Bí thư Tỉnh ủy nhưng bất thành. Bây giờ nghĩ lại, thua cuộc cạnh tranh chức Bí thư Tỉnh ủy khóa trước hóa ra lại may, na ná như chuyện “Tái ông mất ngựa” đầy kịch tính, rất đáng chiêm nghiệm và suy ngẫm trong cuộc đời. Nhưng liệu có yên thân không nếu Tiền Nổ lại cập nhật đầy đủ khoản tiền bẩn đã rót vào “rải thảm quan lộ” cho mình? Nếu cơ quan điều tra truy xét yêu cầu làm rõ dòng tiền từ Tiền Nổ đến Trương Tồn và sau đó đi đến những ngõ ngách nào thì cũng khó giải trình (Tr 121) có khi cũng vào lò cùng với Thùy Lê, Lý Tơ thì còn mặt mũi nào mà nhìn bàn dân thiên hạ.

Trương Tồn tự nhủ mới tạm thoát nạn, chưa bị tra tay vào còng số 8 là may mắn nhưng cũng chưa biết thế nào, còn phải chờ thằng Tiền Nổ có khai ra không?

Trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ, tác giả bằng những nét chấm phá phác thảo chân dung Trương Tồn là con người xa rời thực tiễn, giàu trí “tưởng bở”. Qua việc tổ chức tang lễ cụ Trương Tốn, nhiều người mới biết, Trương Tồn chỉ là con trai thứ. Trên Trương Tồn còn có anh trai trưởng là Trương Quýt là Cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước, cao niên, râu tóc bạc phơ, khỏe mạnh không đồng ý với ý đồ khoa trương của Trương Tồn tổ chức tang lễ cụ Tốn tại Trung tâm hội nghị của tỉnh cho oai. Là thành viên ban lễ tang, đại diện gia đình, ông Trương Quýt yêu cầu lễ tang tổ chức tại nhà riêng Trương Tồn không tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Trương Tồn gầm lên phản đối mắng mỏ ông Trương Quýt; “Anh đúng là suy nghĩ kiểu nông dân. Anh chẳng hiểu đếch gì cả, phải tổ chức ở đấy mới oai, mới vẻ vang cho bố, cho con cháu ngẩng mặt lên chứ” Tr 135).

Bi hài kịch lên đến đỉnh điểm, khi ông Trương Quýt nén giận phân tích phải, trái, dạy cho Trương Tồn một bài học làm người tử tế, nhớ đời: “ Đúng! Tôi là nông dân. Mấy chục năm nay, tôi đã luôn nghe chú. Nhưng lần này thì không nghe chú được. Nhiều lý do lắm, tôi nói hết. Chú nghe cho kỹ một lần, tôi không nói lại, không cẩn thận mất bố rồi mất cả anh em. Bố tuy là nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh lớn nhưng vẫn là người làng Phong Sơn. Người Phong Sơn nhà mình sống dầu đèn, chết phải kèn trống. Mà trống phải đủ bộ trống cà rùng. Lâu rồi ở quê có đám chú không về chỉ gửi viếng. Chú không dự đám tang ở quê có nhớ đội trống cà rùng thế nào không? Đội trống bắt buộc phải có cụ cao tuổi, có thanh niên, có cả trẻ con, tối thiểu cũng mười mấy cái trống. Thế chú nghĩ người ta để nhà mình mời đội trống đến Trung tâm Hội nghị tỉnh à. Lại còn anh em họ hàng, bà con bản quán, họ đến viếng thì anh thợ kèn phải khóc, mỗi đoàn viếng ít cũng phải mươi phút. Chú đừng nhìn tôi như thế. Tôi cổ hủ, tôi lạc hậu cũng được, tôi nhận hết, nhưng đám tang mà không có tiếng trống, tiếng kèn, tiếng khóc thì lạnh lẽo lắm. Đúng ra tôi còn yêu cầu đưa bố về quê, tổ chức tại nhà tôi vì tôi mới là đích trưởng. Nhưng xét thấy bố ở với chú lâu rồi, từ ngày nghỉ hưu bố cũng ít về quê, lâu về thì cái gì ở quê cũng thành lạ, tôi sợ làm thế bố không ưng. Chú không nhớ người xưa bảo hết quan thì hoàn dân, quan nhất thời dân vạn đại à. Được chết lành theo quy luật sinh lão bệnh tử, được về với dân làng, về nơi chôn nhau cắt rốn là hạnh phúc của người già cả đấy chú ạ - Trương Tồn giật mình trước lời lẽ khúc chiết uyên thâm của ông anh lâu nay mình vẫn coi thường” (Tr 135 -135).

Không những vậy, ông anh cả Trương Quý nghiêm nét mặt nhắc nhở Trương Tồn: “Chú quên rồi sao! Người ta khó bỏ qua cho chú về hành vi trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16. Không biết ai xui khiến, khi đó chú là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đã cùng với một vài đệ tử lén lút đi bộ cả chục cây số đường rừng đến chùa Ngục Địa nằm sâu trong vùng lõi của rừng núi Tam Sơn gặp sư thầy Thanh Toa trụ trì chùa này. Chú cùng mấy đệ tử ngủ đêm tại chùa Ngục Địa để sư thầy Thanh Toa làm lễ cầu may đánh bại đối thủ trong kỳ bầu cử Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Vì mối tư thù nhưng yếu thế, chú mê tín dị đoan, còn thuê sư thầy Thanh Toa làm hình nhân thế mạng đề tên họ, húy, hiệu các đối thủ cạnh tranh vào trước ngực hình nhân, thắp hương cắm lên đầu hình nhân để nhờ thần linh bắt tội người đó tiệt diệt. Chả biết có gặp may và thần Phật có phù hộ hay không mà chú cứ lụn bại dần, từ Phó bí thư thường trực tuột dốc, suýt trượt, là người đội sổ trong danh sách Ban chấp hành Tỉnh ủy khóa này. Còn những đối thủ mà chú nhờ sư Thanh Toa cầu khẩn âm binh hạ giới tiệt diệt vẫn sống nhăn trở thành sếp trên cắt cử công việc cho chú. Chú bỗng dưng mất việc, “ngồi chơi xơi nước” cả năm trời, phải cắn cỏ lạy lục “quan trên” là cánh em út mới xếp cho cái chức Giám đốc sở quèn. Chú thấy có nhục không?” (Tr 136-137).

Trò đời “ngưu tầm ngưu”, “mã tầm mã”, với dã tâm đen tối, cả Trương Tồn và sư thầy Thanh Toa đã vướng vào tham sân si, đều bị Thần Phật quở trách, trừng phạt, trở thành những kẻ “thân bại danh liệt”. Vạn cổ xưa nay luôn có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người trăm tính ngàn mưu cũng chẳng bằng ý trời đã định.

Trương Tồn như bị điểm đúng huyệt, choáng váng, tự ngẫm tại sao anh cả Trương Quýt ở quê mà lại biết việc bí mật lên chùa Ngục Địa. Bởi trước đó, Trương Tồn nghe theo lời đám đệ tử mách bảo chùa Ngục Địa nằm trong rừng sâu rất linh thiêng, ít quan chức nào tới được nên đã ở lại qua đêm để giải hạn, cầu may. Điềm may chẳng thấy, toàn gặp những điềm gở.

Trương Tồn bị nhận diện “mất đoàn kết”. Họa vô đơn chí! Khi hạ cố xuống làm Giám đốc sở đã vụng trộm “ăn phở” tại phòng làm việc với “ca ve nhà” bị chồng nhân viên kế toán cơ quan bắt quả tang,“dạy”cho Trương Tồn một đòn nhừ tử phải đền “tiền tấn” rồi mới được tha, liền trốn đi viện điều trị lâu dài. Xấu hổ quá, Trương Tồn đành phải xin nghỉ hưu sớm.

Sau khi đại gia Tiền Nổ bị bắt giam cuối tháng 2/2024 trong vụ án “đưa và nhận hối lộ”, Trương Tồn cùng nhiều vị mới tá hỏa, không ngờ hắn học hành kém cạnh mà lại sử dụng thiết bị tinh vi thời chuyển đổi số để hạ thủ các vị. Bí thư, Chủ tịch tỉnh cùng nhiều thuộc hạ đã bị bắt về tội nhận hối lộ khủng của đại gia Tiền Nổ. Không biết lần này Trương Tồn liệu có thoát ?

Địa chỉ phát hành: 105 đường Nguyễn Văn Linh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

L.Đ

Lộc Định

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/na-na-chuyen-tai-ong-mat-ngua-trong-tieu-thuyet-cay-thay-la-a25402.html