Na Rì hình thành vùng chuyên canh cây có múi

Những năm gần đây, huyện Na Rì ghi dấu ấn với vùng chuyên canh cây có múi, khi người dân tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, chuyển đổi cây trồng hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững.

 Vườn quýt của gia đình bà Phạm Thị Là sai trĩu cành.

Vườn quýt của gia đình bà Phạm Thị Là sai trĩu cành.

Trải qua nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình bà Phạm Thị Là, thôn Nà Khun, xã Cường Lợi đã thành công với mô hình phát triển kinh tế từ cây quýt và chăn nuôi. Dẫn chúng tôi thăm vườn quýt đang vào giai đoạn thu hoạch, bà Là chia sẻ: Trước đây diện tích này chỉ trồng ngô, lúa nhưng từ khoảng năm 2015 gia đình mạnh dạn đầu tư trồng mấy chục cây quýt Bến Tre. Thấy cây phát triển nhanh và 2 năm đã bắt đầu bói quả, gia đình bắt đầu mở rộng diện tích, chuyển đổi đất ruộng, soi bãi sang trồng quýt ngọt và quýt Bến Tre. Hiện, gia đình có hơn 6.000m2 quýt, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Là, thôn Nà Khun, xã Cường Lợi chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cây quýt.

Nhận thấy nhiều hộ dân tại địa phương thành công với mô hình trồng cây ăn quả, gia đình anh Nông Văn Đô, thôn Nà Khun, xã Cường Lợi quyết định chuyển đổi hơn 1.500m2 đất ruộng sang trồng cam đường canh, bưởi da xanh. Nhờ chịu khó học tập kinh nghiệm, diện tích cây ăn quả của gia đình anh Đô đã cho thu hoạch được 2 năm nay, mỗi vụ đạt sản lượng từ 3 – 4 tấn quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ hiệu quả ban đầu, gia đình anh Đô tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoảng 2.000m2 cây cam đường canh.

 Cam đường canh được gia đình anh Đô trồng trên đất ruộng một vụ.

Cam đường canh được gia đình anh Đô trồng trên đất ruộng một vụ.

Anh Đô chia sẻ: Cây cam đường canh rất phù hợp với chất đất, khí hậu tại địa phương, cho quả to, ngọt, mọng nước, giá bán bình quân từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Dự kiến khoảng 5 năm nữa vườn cây ăn quả của gia đình sẽ cho sản lượng tương đối ổn định, hứa hẹn đem lại khoản thu nhập đáng kể. Để xây dựng mô hình thành công, gia đình tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật của các ngành tổ chức, nhờ đó hiểu biết thêm nhiều kiến thức để chăm sóc, phòng bệnh cho cây ăn quả.

 Cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện thăm mô hình trồng cây ăn quả tại xã Đổng Xá.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện thăm mô hình trồng cây ăn quả tại xã Đổng Xá.

Từ hiệu quả kinh tế của cây trồng có múi đem lại, huyện Na Rì đã từng bước quy hoạch vùng trồng phù hợp nhằm phát triển thành cây ăn quả đặc sản của địa phương. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, huyện quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả có múi tập trung tại các xã Kim Lư, Cường Lợi, Liêm Thủy, Trần Phú, Cư Lễ, Văn Minh, Sơn Thành, Văn Vũ, thị trấn Yến Lạc. Đây là những địa phương có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển cây trồng có múi. Đến nay, toàn huyện Na Rì đã có trên 500ha cây ăn quả có múi, trong đó nhiều nhất là cây cam Xã Đoài và quýt đường canh.

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì chia sẻ về định hướng phát triển của cây trồng có múi.

Để phát triển diện tích cây ăn quả có múi thành vùng chuyên canh, trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu, huyện Na Rì tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có múi, từng bước hình thành các mô hình sản xuất với quy mô lớn, tập trung, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất để đưa vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường./.

Xuân Nghiệp - Hà Nhung

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/na-ri-hinh-thanh-vung-chuyen-canh-cay-co-mui-post68036.html