Na Uy phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu
Công ty khai khoáng Rare Earths Norway phát hiện ra mỏ đất hiếm có giá trị cao với trữ lượng lớn nhất châu Âu, từ đây có thể tạo bước ngoặt cho Na Uy và châu Âu.
Đất hiếm "quan trọng hơn" dầu khí
Là một trong số ít mỏ không thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của Trung Quốc, khu vực phát hiện trữ lượng đất hiếm lớn nhất châu Âu được coi là một nỗ lực đáng hoan nghênh của châu Âu trước sự thống trị về đất hiếm của Bắc Kinh.
Nhu cầu về đất hiếm và các khoáng chất quan trọng dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tăng tốc.
Công ty REN tuần trước cho biết rằng khu phức hợp Fen Carbonatite ở phía Đông Nam Na Uy có tổng trữ lượng 8,8 triệu tấn oxit đất hiếm (TREO) với triển vọng phù hợp khai thác kinh tế.
Trong trữ lượng đất hiếm vừa tìm thấy, vốn được coi là quan trọng đối với sự chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch, công ty REN cho biết ước tính có khoảng 1,5 triệu tấn đất hiếm liên quan đến nam châm có thể được sử dụng trong xe điện và tua-bin gió.
Phát hiện trữ lượng mới ở Na Uy làm lu mờ một mỏ đất hiếm khổng lồ được tìm thấy vào năm ngoái ở nước láng giềng Thụy Điển.
Ông Alf Reistad, Giám đốc điều hành Công ty REN, nói với đài CNBC rằng phát hiện trữ lượng lớn đất hiếm tại khu vực hợp Fen Carbonatite đánh dấu một "cột mốc quan trọng" đối với công ty này.
"Điều quan trọng là phải lưu ý rằng hiện nay hoàn toàn không có hoạt động khai thác các nguyên tố đất hiếm ở châu Âu", ông Reistad cho biết.
Một trong những mục tiêu của Đạo luật nguyên liệu thô chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) là khai thác đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu đất hiếm hàng năm của khối này vào năm 2030 và công ty REN hy vọng sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.
Mỏ đất hiếm trong khu phức hợp Fen Carbonatite, cách Thủ đô Oslo khoảng 210 km về phía Tây Nam, có thể khẳng định vị thế của Na Uy như một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị đất hiếm và nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung đất hiếm hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết để chuyển đổi ngành năng lượng. Đó là bởi vì có sự tập trung về mặt địa lý tương đối cao trong việc sản xuất nhiều nguyên tố dùng cho chuyển tiếp năng lượng.
Hầu hết các nguyên tố đất hiếm đều nằm ở Trung Quốc, quốc gia này ước tính chiếm 70% sản lượng khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng chế biến quặng đất hiếm.
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu nguyên tố đất hiếm lớn nhất của EU vào năm 2022, chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu tính theo trọng lượng.
Phía Công ty REN cho biết, hoạt động thăm dò đất hiếm tại khu phức hợp Fen Carbonatite sẽ được tiếp tục và dự kiến sẽ tiến hành khoan thêm vào tháng tới. Ngoài ra, công ty này cũng đang nỗ lực triển khai giai đoạn khai thác đầu tiên vào năm 2030.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng tài nguyên đất hiếm vừa được phát hiện có thể coi là có giá trị hơn nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Na Uy hay không, Giám đốc điều hành Công ty REN nói: "Không có giá trị hơn nhưng [Chủ tịch Ủy ban châu Âu] Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng lithium và nguyên tố đất hiếm sẽ sẽ sớm quan trọng hơn dầu khí".
"Vì vậy, nó sẽ quan trọng hơn nhưng tất nhiên không có cùng giá trị", ông nói thêm.
Giá đất hiếm sẽ phục hồi vào nửa cuối năm
Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong các sản phẩm từ tia laser và thiết bị quân sự đến nam châm dùng trong xe điện và thiết bị điện tử tiêu dùng. Giá đất đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022, sau đó giảm mạnh vào năm ngoái do sản xuất ở Trung Quốc tăng cao trong khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm hơn dự kiến, thậm chí bị tê liệt do sự phục hồi kinh tế chắp vá sau đại dịch Covid-19.
Giới phân tích dự đoán giá đất hiếm có thể đã chạm đáy và sẵn sàng tăng vào cuối năm nay do nhu cầu từ sản xuất xe điện và năng lượng gió. Ngoài ra, Trung Quốc, cường quốc thống trị đất hiếm, dự kiến sẽ rút lại hạn ngạch mở rộng sản lượng.
Dữ liệu của công ty phân tích thị trường kim loại Thượng Hải (SMM) cho thấy giá oxit praseodymium, một trong những nguyên tố đất hiếm được sử dụng rộng rãi nhất tại Trung Quốc, đã giảm 34% vào năm 2023, trong khi oxit terbium và oxit neodymium, vào tháng 1/2024, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Tuy nhiên, nhược điểm hơn nữa đối với đất hiếm có thể sẽ bị hạn chế do giá, đặc biệt là oxit neodymium-praseodymium (NdPr), nguyên tố được sử dụng trong nam châm vĩnh cửu, đã giảm 38% trong năm ngoái và gần bằng mức chi phí sản xuất, theo nhà phân tích Yang Jiawen của công ty SMM.
Công ty phân tích chứng khoán Guolian Securities ước tính oxit NdPr có thể bị thâm hụt 800 tấn trên toàn cầu trong năm 2024, so với mức dư thừa 6.600 tấn của năm ngoái.
Còn nhà phân tích Willis Thomas tại CRU Group cho biết: "Chúng tôi dự đoán nguồn cung bổ sung sẽ ít nhiều được giải phóng vào cuối năm 2024, do nhu cầu bắt kịp nguồn cung thông qua việc doanh số bán xe điện và sản xuất tuabin gió liên tục tăng".
Năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành đợt hạn ngạch sản xuất đất hiếm lần thứ ba, lần đầu tiên nước này ban hành đợt hạn ngạch thứ ba trong một năm kể từ năm 2006, với tổng hạn ngạch trong năm đạt mức cao kỷ lục 255.000 tấn, tăng 21,4% một năm trước đó.
Tuy nhiên, hạn ngạch của Trung Quốc dự kiến tăng với tốc độ chậm hơn trong năm nay, từ 10 - 15%, các nhà phân tích tại công ty phân tích thị trường Baiinfo nêu trong một báo cáo nghiên cứu.
Nhà phân tích Ross Embleton tại Wood Mackenzie cho biết: "Chúng tôi thực sự mong đợi một sự gia tăng hạn ngạch sản xuất khác cho cả hoạt động khai thác và phân tách…, nhưng không đến mức chúng tôi đã thấy vào năm ngoái".
Trung Quốc đã áp dụng kiểm soát việc cung cấp tài nguyên chiến lược đất hiếm thông qua hệ thống hạn ngạch kể từ năm 2006, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/na-uy-phat-hien-mo-dat-hiem-lon-nhat-chau-au-d217462.html