Na Uy từ chối tăng lượng khí đốt sang EU
Na Uy, nhà cung cấp khí đốt thứ hai cho Liên minh châu Âu sau Nga, đang sản xuất hết công suất và không thể tăng nguồn cung, Thủ tướng Jonas Gahr Støre cho biết.
Nhờ có trữ lượng lớn trên biển, vương quốc Scandinavi này cung cấp khoảng 20% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho châu Âu so với 45% của Nga, một quốc gia mà EU hiện muốn giảm bớt sự phụ thuộc của mình sau cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.
"Na Uy đang cung cấp hết công suất. Chính phủ đang liên hệ với các công ty chịu trách nhiệm sản xuất và xuất khẩu thông qua các đường ống, và được báo cáo rằng hiện nay họ đang cung cấp khí hết công suất. Chúng tôi không thể đưa ra quyết định tăng từ ngày này sang ngày khác vì sản lượng đang ở mức tối đa trên các mỏ hiện có", ông Støre nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang ở thăm Oslo.
Hai người đã thảo luận về mối quan hệ năng lượng song phương khi EU tìm cách cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga. Một đường ống dẫn khí đốt, Baltic Pipe, hiện đang được hoàn thành giữa Na Uy và Ba Lan qua Đan Mạch.
Theo ông Morawiecki, khi hoàn thành "vào cuối năm nay, vào tháng 10 hoặc tháng 11", Baltic Pipe sẽ có khả năng vận chuyển 10 tỷ m3 khí đốt của Na Uy đến Ba Lan mỗi năm, đủ để trang trải một nửa lượng tiêu thụ của nước này. Ông nói: “Ngày nay, chúng tôi biết rất rõ rằng chúng tôi phải độc lập với dầu khí của Nga, và đó là lý do tại sao tôi kêu gọi Ủy ban châu Âu và các đồng nghiệp khác của chúng tôi ở Tây Âu vạch ra một lộ trình hướng tới mục tiêu mong muốn”.
Năm 2019, Ba Lan thông báo rằng họ sẽ không gia hạn hợp đồng với tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga sau năm 2022, công ty này hiện cung cấp 2/3 lượng khí đốt tiêu thụ cho Ba Lan. Theo nhà điều hành châu Âu, EU hoàn toàn có thể độc lập với khí đốt của Nga trước năm 2030.
Hôm thứ Ba, Hoa Kỳ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu khí của Nga và Vương quốc Anh quyết định ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối năm 2022.