Nấc thang mới trong xung đột Nga - Ukraine sau 7 tháng
Xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn sau 7 tháng, thậm chí leo thang lên nấc mới khi hai bên có những bước tiến để cố giành lợi thế trên thực địa.
Cả Nga và Ukraine vẫn ở thế giằng co trên thực địa, hai bên chưa giành được ưu thế rõ rệt. Điều này khiến cả Moskva và Kiev có những điều chỉnh về mặt chiến thuật để tạo lợi thế trong thời gian tới. Thế nhưng, xung đột hiện nay không chỉ có Nga - Ukraine mà còn là sự liên quan của Mỹ và đồng minh khi liên tục bơm vũ khí, viện trợ kinh tế cho Kiev.
Toan tính của các bên
Tổng thống Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh “động viên một phần", cho phép quân đội Nga huy động 300.000 quân nhân phục vụ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các biện pháp động viên bắt đầu từ ngày 21/9, đồng thời lưu ý chỉ lực lượng lính dự bị mới là đối tượng được huy động.
Tuyên bố động viên một phần của Nga được đưa ra một ngày sau khi Moskva thông báo tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga tại 4 khu vực, gồm Donetsk, Lugansk ở miền Đông Ukraine, cùng Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam nước này.
Các khu vực trên đã lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập vào Nga từ ngày 23 đến 27/9 và khả năng sẽ sớm có quyết định sáp nhập vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. Moskva ủng hộ, cho rằng người dân các khu vực này có quyền quyết định tương lai của mình. Kế hoạch sáp nhập được công bố trong bối cảnh Ukraine đang đẩy mạnh cuộc phản công trên chiến trường.
Ukraine và các nước phương Tây tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào. Ukraine cho rằng, triển vọng ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc nếu trưng cầu ý dân để sáp nhập vào Nga diễn ra.
Giới phân tích cho hay, các cuộc trưng cầu ý dân tại vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu này chắc chắn sẽ không được chính phủ các quốc gia phương Tây công nhận.
Điện Kremlin đang muốn gửi đi tín hiệu cứng rắn rằng, nếu các khu vực này quyết định sáp nhập Nga thì bất cứ hành động quân sự nào của Ukraine ở những khu vực đó cũng sẽ được coi như một cuộc tấn công nhằm vào Nga.
Theo chuyên gia Grigorii Golosov - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học châu Âu ở St. Petersburg, Nga, kế hoạch trưng cầu ý dân có thể là màn dạo đầu cho những hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn của Nga tại Ukraine, nhằm buộc chính phủ Tổng thống Zelensky và những người ủng hộ ông phải lùi bước. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga - phương Tây.
Động thái mới từ phía Nga và phe ly khai ở Ukraine cho thấy lựa chọn của Moskva đang bị thu hẹp sau khi Kiev tiến hành song song 2 cuộc phản công lớn ở phía Bắc và phía Nam. Trong trường hợp Ukraine vẫn quyết tâm đẩy mạnh phản công, Nga sẽ phải điều động lực lượng đáng kể để bảo vệ các khu vực đồng ý sáp nhập vào nước này.
Trong trường hợp không đủ nguồn lực, Nga có thể xem xét biện pháp cuối cùng là sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này cũng đã được lãnh đạo Nga đề cập thời gian gần đây. Tổng thống Putin tuyên bố Moskva sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga, kể cả khả năng răn đe hạt nhân, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chưa hết, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev còn tuyên bố, Moskva có thể dùng bất kỳ loại vũ khí nào có trong kho của nước này, kể cả vũ khí hạt nhân chiến lược, để bảo vệ các vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga. Ông Medvedev cho biết, lực lượng vũ trang Nga sẽ tăng cường bảo vệ tất cả vùng lãnh thổ sáp nhập.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga khẳng định, các cuộc trưng cầu ý dân do chính quyền ly khai tổ chức tại khu vực trên lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát sẽ diễn ra và điều này “không thể thay đổi”.
Xung đột bao giờ kết thúc?
Nga đang có những điều chỉnh về chiến thuật để gia tăng sức ép đối với Ukarine, giành lợi thế trong xung đột hiện nay. Phía Nga nhiều lần tuyên bố, mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine không thay đổi.
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine sẽ được hoàn thành, bất kể thời gian diễn ra trong bao lâu. Ông cũng nhắc lại mục tiêu của Nga ở Ukraine đó là “bảo vệ người dân Donbass, loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.
Trước đó, tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan, Tổng thống Vladimir Putin cũng khẳng định, Nga sẽ không thay đổi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, bất chấp các nỗ lực phản công của Ukraine.
Theo giới phân tích, việc ông Putin ký sắc lệnh động viên một phần cho thấy quyết tâm của Nga trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đồng thời, triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ ngày càng khó khăn hơn khi các bên đều theo đuổi lập trường cứng rắn, không chịu nhượng bộ, thỏa hiệp lẫn nhau.
Chuyên gia Tatiana Stanovaya, người sáng lập tổ chức phân tích chính trị Politik nhận định, ông Putin đang đặt cược vào các cuộc trưng cầu ý dân. “Tất cả tuyên bố liên quan hoạt động này là tối hậu thư rõ ràng từ phía Nga đối với Ukraine và phương Tây: Rút lui hoặc xung đột leo thang”, ông nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng ông Putin muốn gây sức ép để buộc Ukraine đến bàn đàm phán bởi trên thực tế, Nga vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Theo giáo sư Grigorii Golosov, thông qua việc tiến hành những động thái này, Moskva muốn gửi đi thông điệp sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán.
“Nhiều chính trị gia thường thực hiện các hành động gây leo thang căng thẳng trước khi bước vào một cuộc đàm phán thực sự. Đây là chiến thuật đàm phán thường thấy", ông Golosov cho hay.
Đồng quan điểm, nhà phân tích Ukraine Volodymyr Fesenko - người đứng đầu Trung tâm Penta - cho rằng, Nga dường như toan tính rằng các cuộc trưng cầu ý dân và khả năng tăng cường hành động quân sự sẽ khiến các nước phương Tây phải gia tăng áp lực với Tổng thống Zelensky để ngồi vào bàn đàm phán với Moskva.
Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố Moskva không từ chối đàm phán với Kiev. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine không phù hợp với các nước phương Tây. Ông tố phương Tây đang ép Kiev làm gián đoạn các cuộc đàm phán với Moskva.
Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định mọi đề xuất hòa bình cho Ukraine đều không thể được chấp nhận, ngoại trừ kế hoạch do chính nước này vạch ra.
Ông Zelensky loại trừ mọi đề xuất rằng Kiev cần áp dụng quy chế trung lâp trong tương lai. Lãnh đạo Ukraine cũng cho rằng, khi các hành động gây hấn của Nga càng nhiều, càng ít có khả năng thế giới sẽ ngồi lại với Moskva để cùng thảo thuận về giải pháp hòa bình.
Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc, ông Zelensky cũng kêu gọi thế giới tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời hối thúc các nước tiếp tục hậu thuẫn quân sự, viện trợ tài chính cho Kiev.
Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí tới Kiev, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài, làm gia tăng thương vong và gây hậu quả lâu dài đối với Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn đang tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế, giúp Ukraine giành động lực trên các chiến trường ở miền Đông và miền Nam.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine cách đây 7 tháng, xung đột đã lan rộng và trở thành cuộc chiến kéo dài chưa có hồi kết. Với các gói viện trợ quân sự khổng lồ từ phương Tây cho Ukraine, xung đột Nga - Ukraine khó có thể chấm dứt “một sớm, một chiều”, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều năm.
Mỹ hiện là bên hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine. Washington đã gửi hơn 15 tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev kể từ khi xung đột bùng phát. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị Quốc hội Mỹ phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự Kiev đầu năm 2023.
Phía Mỹ cho rằng những vũ khí chính xác mà nước này và đồng minh cung cấp cho Ukraine là "chìa khóa" cho sự thay đổi trên chiến trường. Trên thực tế, sau 7 tháng tiến hành chiến dịch quân sự, lực lượng Nga và phe ly khai kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk cùng nhiều địa phương ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Trong khi đó, Kiev đầu tháng 9 mở đợt phản công và tái kiểm soát một số thành phố ở tỉnh Kharkov tại vùng đông bắc.
Rõ ràng, đã có những biến chuyển trên thực địa theo toan tính của các bên, song không mang tính đột biến, hai bên vẫn ở thế giằng co. Xung đột tại Ukraine khó có thể kết thúc khi Nga chưa đạt được mục tiêu đề ra, trong khi phương Tây vẫn không ngừng bơm vũ khí để Kiev đối đầu Moskva.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nac-thang-moi-trong-xung-dot-nga-ukraine-sau-7-thang-ar702711.html