Năm 2019, các cơ quan điều tra thụ lý 25 vụ/87 bị can phạm tội tham nhũng
ây là số liệu thống kê trong Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVII.
Lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao ban công tác.
Con số này cũng cho thấy số vụ án, số bị can phạm tội tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý tăng cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay. Trong tổng số 25 vụ án/87 bị can phạm tội tham nhũng được điều tra năm 2019, có 19 vụ/48 bị can là khởi tố mới. Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp đã thụ lý 8 vụ/32 bị can, đã truy tố 4 vụ/9 bị can, trả hồ sơ điều tra bổ sung 4 vụ/23 bị can. Tòa án Nhân dân 2 cấp đã thụ lý 6 vụ/13 bị cáo, đã xét xử 5 vụ/11 bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung 1 vụ/2 bị cáo.
Hầu hết các vụ án này đều có liên quan đến đất đai, như: Vụ án xảy ra tại Dự án số 2 Khu đô thị Đông Hải (TP Thanh Hóa). Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra Công an tỉnh, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án, các đối tượng Nguyễn Văn Đức, Dương Văn Trung là cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng TP Thanh Hóa đã tẩy xóa hồ sơ kiểm kê, chuyển loại hoa màu từ lúa, rau, ngô thành hoa ly gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng. Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 đối tượng là: Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư TP Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; trưởng phố Lễ Môn, phường Đông Hải về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Vụ án xảy ra tại UBND xã Quảng Châu (Quảng Xương) giai đoạn 2010–2013, theo kết quả điều tra của cơ quan điều tra Công an tỉnh, thời gian này Nguyễn Huy Thành là Chủ tịch UBND xã Quảng Châu đã tổ chức hội nghị lãnh đạo 3 trực, hội nghị UBND xã mở rộng và quyết định giá đất ở cao hơn so với định giá của UBND huyện Quảng Xương tại Mặt bằng số 61/QH-ĐC. Nguyễn Huy Thành đã chỉ đạo Trương Thị Linh – kế toán xã lúc bấy giờ thu tiền đất ở gây thiệt hại cho các hộ dân mua đất với tổng số tiền 493 triệu đồng.
Một vụ án khác xảy ra tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn), theo kết quả điều tra ban đầu của Công an thị xã Bỉm Sơn, trong thời gian giữ vị trí Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, Vũ Đức Cường cùng với Dương Thị Hà - lúc đó là cán bộ địa chính UBND phường đã có hành vi lập khống hồ sơ cho 3 hộ dân để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng số tiền hơn 605 triệu đồng. Các đối tượng này đã bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài lĩnh vực đất đai, các đối tượng thường lợi dụng kẽ hở về quản lý Nhà nước để trục lợi, như: Vụ án Nguyễn Văn Tuyến, nguyên kế toán Trường THCS Đông Hoàng (Đông Sơn) bị truy tố về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” khi nhận thu tiền học phí; vụ án xảy ra tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, liên quan đến một số cán bộ trung tâm đã lập hồ sơ khống cử vận động viên đi tập huấn dã ngoại ở nước ngoài, trục lợi số tiền 700 triệu đồng. Vụ án một số cán bộ thanh tra của Thanh tra tỉnh lợi dụng việc thanh tra để nhận tiền của một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thiệu Hóa để bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm của các đơn vị này, bị cơ quan điều tra Công an tỉnh truy tố về tội nhận hối lộ. Liên quan đến vụ án này còn có 3 đối tượng bị truy tố về tội đưa hối lộ...
Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, bị can, bị cáo phạm tội tham nhũng trong năm qua cho thấy các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng quan tâm hơn công tác PCTN, đấu tranh quyết liệt, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCTN, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, khắc phục các hạn chế trong thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán. Việc tăng thẩm quyền cho cơ quan điều tra công an cấp huyện cũng như cơ quan ủy ban kiểm tra về công tác PCTN đã góp phần tăng cường phát hiện các vi phạm từ cơ sở để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời.
Năm 2019, qua công tác thanh tra phục vụ nhiệm vụ PCTN, các tổ chức thanh tra đã triển khai 190 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện sai phạm 50.946,42 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 30.715,19 triệu đồng (đã thu hồi đạt 96%), kiến nghị khác 20.231,23 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính 18 tổ chức và 53 cá nhân. Thanh tra tỉnh đã triển khai 21 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, đã kết thúc 18 cuộc, kết luận 16 cuộc, phát hiện vi phạm về kinh tế phải xử lý là 34.510,04 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 27.438,29 triệu đồng (đã thu hồi đạt 96%), kiến nghị khác 7.071,75 triệu đồng, số còn lại đang trong thời hạn tiếp tục thu hồi. Thanh tra các sở, ngành đã tiến hành 299 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 412 cá nhân, 367 tổ chức có vi phạm, số tiền sai phạm là 12.418 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 6.694,8 triệu đồng, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 187 tổ chức, 381 cá nhân với số tiền xử phạt 2.647,8 triệu đồng, đã thu 2.612,8 triệu đồng. Qua giải quyết đơn, thư khiếu nại, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 479 triệu đồng, trả lại cho công dân 4.658 m2 đất, khôi phục quyền lợi cho 37 người, kiến nghị xử lý hành chính 41 người; qua giải quyết đơn, thư tố cáo, đã thu hồi về cho Nhà nước 750 m2 đất, 563 triệu đồng, trả lại cho công dân 90 triệu đồng, 363 người được bảo vệ quyền lợi, kiến nghị xử lý hành chính 47 người có sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.