Năm 2019, DATC mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu
Năm 2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã trực tiếp mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch, bằng 124% so với năm 2018. Kết quả này cùng với các hoạt động khác đã mang về lợi nhuận trước thuế cho Công ty khoảng 213 tỷ đồng…
Năm 2019, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao và các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, DATC đã gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực hoạt động.
Khẳng định điều này, ông Dương Thanh Hiền – Phó Tổng giám đốc DATC cho biết, năm 2019, DATC đã chủ động, tích cực, bám sát các nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo, kiến nghị giải pháp xử lý đối với các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, trong năm 2019, DATC đã trực tiếp mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch, bằng 124% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ của Công ty cũng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Công ty đã thực hiện tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại 15 doanh nghiệp với giá trị tiếp nhận là 21,378 tỷ đồng, trong đó: tài sản là 9,897 tỵ đồng, nợ là 11,481 tỷ đồng, doanh nghiệp tự xử lý trước bàn giao là 2,803 tỷ đồng.
Kết quả giá trị thực tế thu hồi từ xử lý tài sản và thu hồi nợ đã tiếp nhận trong năm 2019 của Công ty đã ghi nhận là 20,2 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tiếp nhận đạt 6,057 tỷ đồng (trong đó: thu từ xử lý tài sản là 4,155 tỷ đồng, thu hồi nợ là 0,908 tỷ đồng và thu nợ do doanh nghiệp xử lý trước bàn giao là 0,994 tỷ đồng), đạt 121% kế hoạch năm 2019.
Đối với hoạt động mua, bán nợ và tài sản, DATC đã tiếp tục triển khai thực hiện phương thức mua bán nợ và tài sản theo thỏa thuận, Công ty tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ, kể cả thay đổi phương thức xử lý thu hồi nợ so với Nghị quyết phê duyệt ban đầu để phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế thanh toán nợ của khách nợ. Trong năm, các đơn vị thuộc Công ty đã nghiên cứu xây dựng rất nhiều phương án mua bán nợ.
Đối với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, thực hiện vai trò là công cụ của nhà nước tham gia tái cơ cấu tài chính, phục hồi doanh nghiệp. Thông qua hoạt động mua bán xử lý nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC đã xử lý để lành mạnh tài chính của các nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản suất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần có vốn góp của DATC.
Theo ông Dương Thanh Hiền, thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, trong năm 2019 công ty đã xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính cho 8 doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Sau khi xử lý tài chính, công ty đã chuyển nợ thành vốn góp đầu tư tại 01 doanh nghiệp. Sau khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển nợ thành vốn góp của DATC, thực hiện đổi mới công tác quản trị, khôi phục sản suất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp.
Công tác quản lý vốn đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty trong năm 2019 tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, không ngừng nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ đại diện vốn đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý vốn.
Tất cả những nỗ lực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên đã tạo ra kết quả khả quan về lợi nhuận cho DATC. Theo đó, năm 2019, lợi nhuận trước thuế ước thực hiện của DATC là 213 tỷ đồng, đạt 105,4% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước là 188 tỷ đồng, đạt 123,7% kế hoạch.
Trên cơ sở kết quả tăng trưởng trên, ông Dương Thanh Hiền cũng cho biết, DATC đã đề ra một số phương hướng nhiệm vụ của năm 2020.
Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh, năm 2020, chỉ tiêu DATC đề ra tổng doanh thu đạt được là 1.900 đến 2.100 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 200 đến 215 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước là 150 đến 180 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, DATC sẽ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền về thí điểm cổ phần hóa 1 đơn vị trực thuộc (Chi nhánh, Trung tâm) phù hợp quy định hiện hành về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để nâng cao tính chủ động trong công tác mua bán, xử lý nợ.
Đặc biệt, trong năm 2020, DATC sẽ tập trung hoàn thiện về thể chế hoạt động để khắc phục khó khăn, bất cập và nâng cao sức cạnh tranh của DATC trên thị trường mua bán nợ như sớm ban hành được Nghị định về cơ chế hoạt động của DATC; Đề án chiến lược kinh doanh của Công ty giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy chế, quy trình có tính quyết định ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty như Quy chế trích lập dự phòng; Sửa đổi các nội dung của Thông tư số 50/2019/TT- BTC phù họp với đặc thù thoái vốn và nợ phải thu của Công ty.
Đồng thời, Công ty sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để kịp thời tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại các doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu; Đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu, thoái vốn... tương xứng với quy mô, năng lực của Công ty và khẳng định vị trí, vai trò của DATC về mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Với nền tảng tăng trưởng khả quan năm 2019, cùng tinh thần đoàn kết được phát huy, DATC đang vững tin bước vào năm 2020 với kỳ vọng tiếp tục gặt hái thêm nhiềm thành công mới.