Năm 2019: Kiều bào nỗ lực gìn giữ văn hóa dân tộc, kiến tạo giao thoa văn hóa Việt Nam với quốc tế
Trong năm 2019, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực văn hóa và thể thao của nước nhà.
Trả lời phỏng vấn Báo Tổ Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNVNONN) Lương Thanh Nghị đánh giá đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào việc phát triển, giữ gìn văn hóa dân tộc cũng như tạo sự giao thoa văn hóa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.
Năm 2019 tiếp tục chứng kiến xu thế tri thức Kiều bào quay trở về đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước. Bà con Kiều bào thể hiện sự vui mừng phấn khởi trước các thành tựu về kinh tế, văn hóa và xã hội trong nước, đặc biệt là vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được nâng cao, thể hiện ở việc Việt Nam được bầu là Thành viên không thường trực ở ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay thành công của Việt Nam tại các sự kiện thể thao như SEA Games 2019… Tất cả đã góp phần khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc của Kiều bào, kêu gọi họ hướng về quê hương đất nước và đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước.
Theo ông Lương Thanh Nghị, trong năm qua, để góp phần giới thiệu và duy trì văn hóa Việt Nam cho cộng đồng NVNONN, Ủy ban NVNONN và các bộ ban ngành khác, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cho nhiều đoàn nghệ thuật trong nước sang biểu diễn phục vụ bà con Kiều bào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một điểm đáng tự hào là hiện có rất nhiều nghệ sỹ gốc Việt thành danh ở nước ngoài và họ chính là "những hạt nhân làm lan tỏa nghệ thuật truyền thống cũng như bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tới cộng đồng quốc tế". Ví dụ như nhóm nghệ sỹ Ngô Hồng Quang từ Hà Lan thường xuyên biểu diễn ở châu Âu với các nhạc cụ dân tộc và nhận được sự đánh giá cao cũng như được khán giả chào đón nhiệt tình.
Ngoài ra, trong chính các cộng đồng NVNONN như Đức, Cech, Pháp, Australia, Mỹ… cũng thành lập nhiều ban nhạc chủ yếu sử dụng nhạc cụ truyền thống với các thành viên tham gia có độ tuổi phong phú từ người già cho tới cả trẻ em như nhóm Âu Lạc ở Pháp.
Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị nhấn mạnh, Kiều bào cũng chính là cầu nối đưa văn hóa thế giới về Việt Nam, tạo dựng sự giao thoa văn hóa rất lớn giữa Việt Nam và thế giới. Một ví dụ là nghệ sỹ cello Đinh Hoài Xuân từ Rumani, sắp có chương trình biểu diễn ở Nhà Hát lớn lần thứ 4, biểu diễn các tác phẩm nhạc truyền thống Việt Nam bằng cello. Hay tháng 8/2019 đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Hà Nội trong lòng người xa xứ" do các nghệ sỹ không chuyên trong cộng đồng người Việt Nam tại Czech biểu diễn ở Nhà Hát lớn Hà Nội, đã để lại những dấu ấn sâu sắc. Trong chương trình, các phu nhân áo dài diễn các trang phục áo dai qua các thời kỳ khác nhau và chính các chị cũng thường xuyên biểu diễn tại những sự kiện do các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tổ chức ở châu Âu.
Nói về những đóng góp của cộng đồng NVNONN vào thể thao nước nhà trong năm qua, không thể không nhắc tới vai trò của các vận động viên kiều bào thi đấu dưới màu cờ Việt Nam tại SEA Games 2019. Ông Lương Thanh Nghị cho hay, hiện nay rất nhiều bạn trẻ gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài, mặc dù chỉ mới 12, 13 tuổi nhưng đã bắt đầu quay về đầu quân cho các đội tuyển thể thao ở Việt Nam.
Sea Games 30 diễn ra tại Philippines hồi tháng 12/2019 đánh dấu một vị thế mới của bóng rổ Việt Nam khi chúng ta giành được hai chiếc HCĐ lịch sử ở nội dung 3x3 và 5x5 nam. Bên cạnh những tuyển thủ "nội" xuất sắc, không thể không nhắc tới những gương mặt Việt kiều chủ lực của đội tuyển bóng rổ Việt Nam như Quý Kiệt, Vĩnh Luân, Đăng Khoa, Thanh Tâm, Tuấn Tú, Phúc Tâm và Đinh Thanh Sang. Tất cả các tuyển thủ bóng rổ Việt kiều tại SEA Games 30 đều có dòng máu Việt Nam trong người nhưng trưởng thành tại Mỹ.
Bên cạnh bóng rổ, SEA Games 30 còn chứng kiến những màn thi đấu thành công của nhiều vận động viên Việt kiều ở các bộ môn khác như tennis, bơi, thể dục dụng cụ…
Cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 4,5 triệu người sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 80% là ở các nước phát triển. Cộng đồng tiếp tục phát triển ổn định, ngày càng hội nhập sâu rộng và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội nước sở tại, đồng thời ngày càng tăng cường kết nối với quê hương, hưởng ứng tích cực các sự kiện trong nước và "chung tay" trong công cuộc phát triển của nước nhà.
Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị bày tỏ hy vọng trong năm 2020, Kiều bào sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của văn hóa và thể thao Việt Nam.