Năm 2020 - Tự tin và hành động
Kinh tế Việt Nam đã tỏa sáng trong năm 2019. Niềm vui đó được nhân đôi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó, một nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng như Việt Nam khó tránh khỏi nhiều tác động bất lợi.
Chưa như kỳ vọng
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu được Quốc hội đề ra. GDP năm 2019 tăng hơn 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP cao song hành cùng sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Lạm phát tính theo chỉ số CPI bình quân chỉ tăng 2,79%, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh vượt 75 tỷ USD, tỷ lệ nợ công giảm mạnh, xuống 55% GDP, các cân đối vĩ mô như đầu tư - tiết kiệm, thu - chi ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
Đằng sau kết quả những con số ấn tượng nêu trên cùng tiến bộ trên nhiều chiều cạnh kinh tế khác, vẫn còn những trăn trở, day dứt từ góc nhìn phát triển bền vững, thúc đẩy cải cách, đổi mới sáng tạo và cảm nhận của thị trường.
Đó là nỗi canh cánh về sự bứt phá cải cách như Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm 2019 đã nhấn mạnh. Năm 2019, đã có hơn 138.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,2% về số lượng, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm 2018.
Theo U.S News &World Report 2019, Việt Nam đứng thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư. Song nhiều nội dung cải cách có tính nền tảng triển khai với kết quả còn khá xa so với kỳ vọng. Tiến trình tái cấu trúc có những bước tiến nhất định, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhưng chậm trễ trong đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Chi phí cơ hội là rất lớn đối với một nguồn lực lớn ách tắc do giải ngân đầu tư công chậm và thoái vốn cùng xử lý các đại án liên quan doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ đầu tư cho kết cấu hạ tầng hiện xuống thấp hơn đáng kể mức 8% GDP (được xem là ngưỡng hợp lý cùng đảm bảo hiệu quả đầu tư), có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Môi trường đầu tư kinh doanh theo Báo cáo “Doing Business 2019” của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam hạng 69/190, giảm 1 bậc so với năm 2018.
Mục tiêu đạt mức trung bình trong top đầu ASEAN ngay trong vài năm trước vẫn khá xa vời. Chất lượng tăng trưởng cũng chậm cải thiện dù năng suất lao động theo giá so sánh năm 2019 tăng 6,2%, song hiệu quả đầu tư vẫn thấp và chưa chuyển biến. Việt Nam được đánh giá ở ngưỡng “quốc gia sơ khởi” trong sẵn sàng đối với cách mạng công nghệ 4.0, thấp nhất trong 4 thứ hạng là dẫn đầu, có tiềm năng cao, kế thừa và sơ khởi.
Nguyên nhân do thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, trong thời gian dài cho đến gần đây, Việt Nam chưa xem doanh nghiệp gắn bó với nghiên cứu và phát triển là hạt nhân của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Biến động của 2 thị trường chứng khoán và bất động sản với sự tham gia của số đông các nhà đầu tư và có dịch chuyển dòng vốn lớn, cũng là những chỉ báo đáng lưu ý. Tăng trưởng và nền tảng vĩ mô tốt, song thị trường chứng khoán lại chuyển từ “phấn khích” năm 2017 sang “cẩn trọng” từ cuối năm 2018 đến hết năm 2019. Không chỉ thanh khoản giảm đáng kể, dự báo cũng dè dặt hơn.
Năm 2019, thị trường bất động sản nhìn chung trầm lắng, nguồn cung và cả số giao dịch thành công giảm. Đây cũng là năm thử thách niềm tin thị trường do gia tăng tranh chấp giữa chủ dự án và khách hàng, cơn sốt đất nền ở một số địa phương, đi kèm dự án “ma” và sự chậm trễ vào cuộc của chính quyền, và sự cố “vỡ trận” cam kết lợi ích của chủ đầu tư dự án đối với các nhà đầu tư, khách hàng.
Cải cách sáng tạo để phát triển
Trong thời gian dài cho đến gần đây, Việt Nam chưa xem DN gắn bó với nghiên cứu và phát triển là hạt nhân của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Mục tiêu năm 2020 đã được Quốc hội đặt ra: tăng trưởng 6,8%, lạm phát không quá 4% cùng những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Đây là lựa chọn khá cẩn trọng với những thành tích đạt được trong năm 2019, song cũng hợp lý.
Bởi lẽ, kinh tế thế giới vẫn được đánh giá nằm trong giai đoạn giảm tốc; tính bất định và rủi ro trong năm 2020 có thể “dễ thở” hơn nhưng vẫn còn cao. Các tổ chức quốc tế tiếp tục cho rằng với các yếu tố căn bản của nền kinh tế khá vững vàng, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5- 6,8%.
Nhìn xa hơn, Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. (1) Tốc độ tăng trưởng GDP đạt trung bình 7%/năm; lạm phát ở mức từ 3,5-4,5%/năm; năng suất lao động tăng khoảng 6,3%/năm.
(2) Nếu tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, GDP có thể tăng trưởng trung bình 7,5%/năm. Đây cũng là tiền đề cho Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.
Để thực hiện, suy nghĩ, lựa chọn và hành động cho khát vọng Việt, không chỉ “bắt kịp” mà còn “tiến cùng”, thậm chí có những chiều cạnh vượt lên thời đại. Cần nhìn nhận Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh rộng lớn đó. 2020 không chỉ là năm tổng kết quá khứ, còn chuẩn bị tương lai với kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến 2045.
Cải cách, sáng tạo và cả chỉ tiêu phải thực sự gắn với động lực mới và những đòi hỏi thay đổi về chất trong phát triển. Với tinh thần như vậy, phương châm trên hết của Chính phủ năm 2020 phải là “Hành động - Trách nhiệm - Sáng tạo”.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/nam-2020-tu-tin-va-hanh-dong-76016.html