Năm 2020, Việt Nam phải có 200 doanh nghiệp an ninh mạng
Bộ TT&TT sẽ đặt hàng Hiệp hội ATTT một số nội dung mới, với mục tiêu là cùng nhau xây dựng và phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh không gian mạng Việt Nam.
Sáng 7/9, tại Hà Nội đã diễn ra đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội An toàn thông tin nhiệm kỳ 3. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam. VNISA được thành lập từ năm 2007.
Trong giai đoạn qua, Hiệp hội đã thực hiện vai trò cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT với các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng chính sách và hỗ trợ sự phát triển nguồn nhân lực, thị trường, sản phẩm và dịch vụ an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ của Hiệp hội là tiến hành điều tra thực trạng và công bố các chỉ số ATTT tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” là hoạt động quan trọng nhất của VNISA và được cộng đồng CNTT, ATTT mong đợi.
Qua từng năm, quy mô, phạm vi, chất lượng của chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Sự kiện thường niên Ngày ATTT Việt Nam đã được mở rộng và nâng cao không ngừng. Hiệu quả của các hoạt động này đã có tác động đáng kể đối với vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong cộng đồng tại Việt Nam.
Chia sẻ với ban chấp hành mới của Hiệp hội ATTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nhiệm kỳ thứ 3 của Hiệp hội ATTT Việt Nam gắn liền với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử.
An toàn, an ninh không gian mạng là tiền đề cho sự phát triển này. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Hiệp hội sẽ đóng vai trò tích cực trong công cuộc bảo vệ Việt Nam trên không gian mạng.
Bộ TT&TT luôn coi trọng vai trò của VNISA và đã phối hợp với Hiệp hội trong hầu hết các hoạt động. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong thời gian tới, Bộ sẽ đặt hàng Hiệp hội một số nội dung mới, với mục tiêu là cùng nhau xây dựng và phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh không gian mạng.
Cục ATTT sẽ là đầu mối của Bộ để phối hợp với Hiệp hội ATTT. Ban Cán sự đảng của Bộ TT&TT cũng đã thống nhất đề xuất ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ TT&TT tham gia vào Ban chấp hành Hiệp hội. Theo đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã được đại hội bầu làm tân Chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam nhiệm kỳ tới.
Tại đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Hiệp hội ATTT, đến 2020 Việt Nam phải có khoảng 200 doanh nghiệp an ninh mạng. Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng, mọi hoạt động của Hiệp hội ATTT Việt Nam nên xoay quanh mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ TT&TT khuyến khích Hiệp hội ATTT kết nối các thành viên, trước hết là các doanh nghiệp, các cá nhân người Việt Nam làm trong lĩnh vực an ninh mạng trên toàn cầu.
Các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam mạnh hay không thể hiện ở việc có đi ra nước ngoài được hay không, có xuất khẩu được sản phẩm hay không. Vậy nên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khích lệ Hiệp hội ATTT tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong việc xúc tiến đưa các sản phẩm an ninh mạng Việt Nam ra thế giới.
ATTT không chỉ là câu chuyện của các tổ chức mà còn của mọi người dân. Chỉ khi nào toàn dân có kiến thức, kỹ năng và khả năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng thì khi đó mới thực sự quản lý được rủi ro. Đây cũng là trách nhiệm của Hiệp hội ATTT, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân về an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Trọng Đạt
(Quý độc giả có thể theo dõi toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội lần 3 Hiệp hội ATTT tại đây)