Năm 2021: Đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cho biết đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, một số chỉ tiêu đạt được kết quả tích cực hơn, song cũng có một số chỉ tiêu không đạt như mức dự kiến.
Bế mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị họp phiên thứ 11
Mức bội chi thấp hơn 57,17 nghìn tỷ đồng so với dự toán
Sáng 11/5, bắt đầu phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.
Theo báo cáo của Chính phủ, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 cuối năm 2021, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.
Cụ thể, những thay đổi tích cực là: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu NSNN đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP, thấp hơn dự toán là 4% (343,67 nghìn tỷ đồng); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 35-36%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 28 - 29%).
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội. Có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 4,8%. Năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%). Cùng với đó, khi dịch Covid-19 xảy ra, hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận lao động nghỉ việc, cũng như chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động của doanh nghiệp cũng như năng suất lao động chung của cả nước.
Phiên họp sáng 11/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng kết, báo cáo rõ hơn hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được và cho rằng, sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi đáng ghi nhận. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây tác động nghiêm trọng cả về y tế, kinh tế - xã hội, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm và nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần bổ sung, đánh giá sâu sắc hơn một số vấn đề.
Trong đó có đề nghị Chính phủ tổng kết, báo cáo, đánh giá rõ hơn về hiệu quả phân bổ NSNN, huy động, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt, chưa tốt.
Ủy ban Kinh tế đánh giá xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI ngày càng lớn; năm 2020 là 72,2%; năm 2021 là 74%. Hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới còn nhiều bất cập, tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại biên mậu. Giá trị xuất khẩu ngành Nông nghiệp cao kỷ lục, tuy nhiên, giá trị nhập khẩu tăng cao hơn, thặng dư thương mại giảm 40,8% so với năm 2020, là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn chậm; kế hoạch hết năm 2021 là thu về 40.000 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 4.402 tỷ đồng (18 doanh nghiệp) trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 có điều kiện thuận lợi để thoái vốn./.