Năm 2021, học sinh sẽ được học những gì mới?
Trong năm 2021, nhiều nội dung sẽ được áp dụng trong chương trình phổ thông như: Lớp 2 và lớp 6 học sách giáo khoa mới; học sinh từ lớp 10 đã học Luật An ninh mạng…
Học Luật An ninh mạng từ lớp 10
Chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT ban hành kèm Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT đã có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Thông tư được áp dụng đối với các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THPT và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư quy định, ở cấp THPT là môn học chính khóa, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, từ lớp 10, học sinh được học về Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng là một trong những nội dung học của môn giáo dục quốc phòng và an ninh. Cụ thể, học sinh phải đạt được các yêu cầu là: Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; Hiểu rõ nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng.
Lớp 6 học chương trình mới
Theo dự kiến, năm học 2021 - 2022 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6. Bộ GD&ĐT cho biết, tuy đây không phải lớp đầu tiên thực hiện chương trình này, nhưng với nhiều môn học mới và những đòi hỏi cao hơn về phương pháp, nên rất cần sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và toàn ngành giáo dục. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đã đề nghị các Sở GD&ĐT chú trọng công tác bố trí và bồi dưỡng giáo viên dạy học lớp 6 năm học 2021 - 2022. Các thầy cô được lựa chọn phải là người giỏi chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm.
Liên quan đến công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, theo Bộ GD&ĐT, Bộ đã thành lập Hội đồng Thẩm định Quốc gia để tổ chức thẩm định các bộ SGK, làm căn cứ cho các địa phương lựa chọn, đưa vào giảng dạy từ năm học tới. Bộ cũng đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên dạy học các môn học, hoạt động giáo dục (môn học) tham gia góp ý các bản mẫu sách lớp 2 và lớp 6. Để nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm SGK.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, Chương trình Giáo dục phổ thông được thiết kế theo hướng mở. Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.
Học các kỹ năng phòng chống thiên tai
Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, Quyết định 3162/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch phòng, chống thiên tai Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025 chính thức có hiệu lực và thay thế Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 08/9/2011. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhiều nội dung sẽ được thực hiện theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó chú trọng đến việc đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung trong các nhà trường.
Cụ thể, theo lộ trình 2021 - 2025: Đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường. Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên. Rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các tài liệu hiện lưu hành liên quan đến phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong nhà trường ứng với từng cấp học phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức rà soát kiến thức, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên. Tổ chức dạy thí điểm, lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Các hoạt động, chương trình, đề án liên quan. Tổ chức dạy đại trà ở các mức độ khác nhau…
Học sinh được tham gia hoạt động thể thao
Từ ngày 15/2/2021, Thông tư quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao theo kế hoạch của nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục các cấp; tham gia câu lạc bộ các môn thể thao theo sở thích, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi.
Học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động thể thao trong nhà trường; được tuyển chọn, cử tham gia thi đấu các giải, đại hội thể thao cấp cơ sở, toàn quốc, quốc tế. Học sinh có năng khiếu thể thao được tuyển chọn đào tạo tại các trường năng khiếu thể thao theo quy định.
Học sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước cấp toàn quốc do cơ quan quản lý giáo dục tổ chức và học sinh là thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự các giải, đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích khi tham gia các kỳ thi tuyển sinh THPT, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng theo các quy định hiện hành.