'Năm 2021, rà soát, tháo gỡ khó khăn để giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế'
'Đất đai là một trong những tài nguyên vô cùng quan trọng, là nguồn lực đầu vào của nền kinh tế. Trong thời gian tới, Bộ đã tiếp tục tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn để giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế'- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Một trong những hoạt động chỉ đạo quan trọng đầu năm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là tháo gỡ những khó khăn, rào cản về chính sách quản lý đất đai. Ông nói: “Đất đai là một trong những tài nguyên vô cùng quan trọng, là nguồn lực đầu vào của nền kinh tế. Trong thời gian tới, Bộ đã tiếp tục tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn để giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế”.
Những ngày đầu làm việc của năm Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì triển khai kế hoạch Tổng kết thi hành Luật và sửa đổi Luật Đất đai; khẩn trương thành lập các tổ để nghiên cứu sửa đổi theo chuyên đề; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng trong xây dựng kế hoạch Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ để sớm ban hành các Nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai; Nghị định của Chính phủ quy định về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh về Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai.
Liên quan đến chính sách thì Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai cũng được người dân hết sức quan tâm. Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đất đai là một trong những tài nguyên vô cùng quan trọng, là nguồn lực đầu vào của nền kinh tế. Trong thời gian qua, Bộ đã tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn để giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế. Thế nhưng điều này mới chỉ thực hiện được một phần, vẫn còn đó những vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai, thất thoát ngân sách từ đất đai, lợi dụng đất đai để tham ô, tham nhũng; vẫn còn đó những xung đột, những thủ tục rườm rà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn lực này. Và đây chính là những điều mà chúng ta cần phải tính toán kỹ”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vấn đề giá đất, giá đất với thị trường, quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất đai… tính toán được các yêu cầu quản lý đối với từng đối tượng, xác định vai trò của Nhà nước trong chuyển đổi mục đích và định giá, phải có doanh nghiệp mới có phát triển, phải chia sẻ lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất với các dự án đầu tư.
“Trong chính sách đất đai phải tính đến việc hài hòa quyền lợi, lợi ích của Nhà nước với người dân, để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu ý kiến của người dân và xin chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới”, ông Hà nói.
Ở một số lĩnh vực khác như tài nguyên nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia; rà soát Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cấp quốc gia và các lưu vực sông. Dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn. Chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác Mê Công, Mê Công - Lan Thương.
Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2021 liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, khí hậu thủy văn, tài nguyên nước…
Lĩnh vực môi trường, tập trung triển khai Luật bảo vệ môi trường; lập các quy hoạch về môi trường, đa dạng sinh học; nghiên cứu cơ chế, biện pháp tái sử dụng, tái chế tái sử dụng trong lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ. Phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, coi ngăn chặn ô nhiễm môi trường như phòng, chống dịch Covid-19 để tạo ra sức mạnh, sự chuyển biến lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020; Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường đầu xuân như tết trồng cây, ra quân làm sạch môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Lĩnh vực biến đổi khí hậu tập trung triển khai Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Với lĩnh vực khí tượng thủy văn cần nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo; triển khai thực hiện Đề án dự báo, cảnh báo tổng thể quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi và trung du. Thực hiện xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại hóa, tự động hóa thông qua hình thức đầu tư công kết hợp với hình thức xã hội hóa.
Lĩnh vực quản lý biển và hải đảo cần tập trung xây dựng đề xuất báo cáo Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung lập Quy hoạch không gian biển Quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phối hợp với các địa phương thực hiện giải pháp ngăn ngừa, giảm lượng rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức tiếp nhận và triển khai tàu nghiên cứu biển do Nhật Bản trao tặng. Tổ chức tốt Phiên họp của Ủy ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển kinh tế biển.
Lĩnh vực địa chất và khoáng sản tiếp tục xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam.
Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI). Triển khai cung cấp các dịch vụ ứng dụng định vị vệ tinh; cập nhật dữ liệu và siêu dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.