Năm 2021: Sẽ có bộ tiêu chí mới đánh giá 'sức khỏe' doanh nghiệp Nhà nước?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc xây dựng thí điểm bộ chỉ tiêu định tính và định lượng mới trên cơ sở kinh nghiệm của Hàn Quốc, nhằm đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Khối doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp (DN).
Hạn chế của “thước đo” cũ
Hiện nay, việc thực hiện đánh giá hoạt động DNNN và người quản lý DNNN đang được thực hiện căn cứ theo các quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN, Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước tại DN, Thông tư 200/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN.
Về đánh giá hoạt động của DNNN và người quản lý DNNN, theo Bộ KH&ĐT, các quy định pháp lý hiện hành đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của một DNNN dựa trên một số tiêu chí đo lường hiệu quả tài chính và tiêu chí thực hiện nhiệm vụ xã hội (để phản ánh đóng góp của DNNN đối với xã hội).
Đối với tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của người quản lý DN cũng được cho là đang tập trung vào hiệu quả quản lý khi chỉ dựa trên một số tiêu chí như: Mức độ hoàn thành chỉ tiêu cơ quan đại diện chủ sở hữu giao về lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu; kết quả xếp loại DN, mức độ hoàn thành kế hoạch cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (đối với DN cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích).
Đối với công ty TNHH MTV do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ và người quản lý tại công ty TNHH MTV do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ DN, Hội đồng thành viên công ty mẹ căn cứ tiêu chí đánh giá phân loại DN và tiêu chí đánh giá người quản lý DN nêu trên để thực hiện đánh giá, xếp loại DN và người quản lý.
Tổng hợp kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại DN năm 2019 đối với 331 DNNN trên cả nước của Bộ Tài chính cho thấy, trong 53 DNNN thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ có 31 DN được các cơ quan đại diện chủ sở hữu xếp loại DN, đạt tỷ lệ 58,49%. Theo đó, có 25 DN xếp loại A (chiếm 47,17% tổng số DN được xếp loại), 1 DN xếp loại B (chiếm 1,9%), 5 DN xếp loại C (chiếm 9,43%). Trong khi, có 188 DN trong tổng số 278 DN thuộc UBND các tỉnh được cơ quan đại diện chủ sở hữu thẩm định xếp loại. Theo đó, có 118 DN xếp loại A, 47 DN xếp loại B và 23 DN xếp loại C.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, việc đánh giá theo tiêu chí hiện hành còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, hệ thống tiêu chí đánh giá hoạt động DNNN quá tập trung vào các chỉ tiêu tài chính hơn là khả năng lãnh đạo của người quản lý DNNN và kết quả quản lý chung. Do đó, Chính phủ khó xác định được các DNNN đang gặp khó khăn hoặc xác định người quản lý DN không đủ năng lực ngay cả khi kết quả đánh giá cho thấy các DN đang hoạt động kém hiệu quả.
Thứ hai, kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN chưa gắn kết chặt chẽ với khen thưởng và thăng tiến. Mức thưởng cố định cho tất cả các DNNN được xếp cùng loại chưa thật sự tạo động lực để người quản lý DN phát huy tối đa khả năng để điều hành quản lý DNNN một cách tốt nhất. Ngoài ra, thu nhập chính thức của người quản lý DN ở các DNNN nhìn chung thấp hơn so với thu nhập của người quản lý DNNN tại khu vực tư nhân và FDI so sánh theo cùng quy mô DN.
Thứ ba, việc thực hiện hệ thống đánh giá kết quả bên ngoài đối với các DNNN đã cho thấy bản chất của việc đánh giá bên trong là chưa có ý nghĩa đối với cải thiện chất lượng quản lý. Báo cáo đánh giá do các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện và báo cáo cuối cùng do Bộ Tài chính tổng hợp đều dựa chủ yếu vào báo cáo tự đánh giá và xếp loại của các DNNN. Không có một cơ quan độc lập tham gia vào quy trình này nên chất lượng của báo cáo đánh giá phụ thuộc phần lớn vào chất lượng và độ tin cậy của các báo cáo tự đánh giá của chính DNNN. Kết quả là, việc phân loại không phản ánh chính xác thực trạng hiện nay của các DNNN.
Thứ tư, thời gian đánh giá thường tiến hành vào tháng 6 của năm sau khi kiểm toán độc lập được hoàn thành. Tuy nhiên, báo cáo cuối cùng do Bộ Tài chính tổng hợp thường được công bố vào cuối năm sau đó. Quy định này khiến cho Chính phủ không kịp thời phát hiện những sai phạm và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Thứ năm, các tiêu chí đánh giá hoạt động của DNNN chưa được quy định cụ thể để xử lý sự khác biệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN đặc thù trong hoạt động hoặc DNNN được giao thực hiện các mục tiêu chính trị - xã hội. Do vậy, một số DN không có cơ sở pháp lý để tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại DN hằng năm phù hợp với thực tiễn và đặc điểm hoạt động của DN.
Tư nhân được tham gia đánh giá “sức khỏe” DNNN?
Đáng chú ý, trong Dự thảo Đề án xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN vừa được Bộ KH&ĐT gửi tới các bộ, ngành địa phương để lấy ý kiến, Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng thí điểm bộ tiêu chí định tính và định lượng nhằm thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trên cơ sở kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Theo đó, sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của từng DN bao gồm các chỉ tiêu định tính và định lượng (các tiêu chí này đã bao gồm đặc thù của từng DNNN theo loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động); tiếp đó là thành lập Hội đồng đánh giá và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá để đảm bảo kết quả đánh giá mang tính khách quan, minh bạch, hiệu quả.
“Hội đồng đánh giá do Thủ tướng Chính phủ thành lập bao gồm thành viên thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và thành viên đến từ khu vực tư nhân. Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các cơ quan triển khai các hoạt động của Hội đồng” - đề xuất của Bộ KH&ĐT.
Ngoài việc thí điểm đối với các tập đoàn, tổng công ty, các DNNN còn lại tiếp tục thực hiện các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động theo các quy định hiện hành. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các hạn chế, tồn tại trong thực hiện đánh giá DNNN và kinh nghiệm quốc tế để rà soát, điều chỉnh quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP theo hướng quy định các tiêu chí phù hợp hơn, gắn kết quả đánh giá với các chế độ khen thưởng, khuyến khích người quản lý DN.
“Trường hợp Chính phủ chọn phương án này, Bộ KH&ĐT sẽ là cơ quan được giao triển khai xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021 về thí điểm xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 9 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để làm cơ sở triển khai thí điểm thực hiện từ năm 2022” - theo Bộ KH&ĐT. .