Năm 2021, thế giới thiệt hại 82 tỷ USD do lũ lụt
Ngày 30/3, cơ quan tái bảo hiểm Swiss Re Institute cho biết, năm 2021, lũ lụt khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 82 tỷ USD, chiếm gần một phần ba tổng thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature cho thấy, những vùng biển chung quanh Scotland và miền bắc nước Anh đã gây ra nhiều cơn bão cực mạnh trong những thập kỷ gần đây.
Trong một tuyên bố, ông Martin Bertogg, người phụ trách các nguy cơ thảm họa tại Swiss Re, cho biết: “Lũ lụt ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số thế giới, nhiều hơn bất kỳ nguy cơ nào khác. Vào năm 2021, đã có hơn 50 trận lũ lụt nghiêm trọng trên khắp thế giới, thường do lượng mưa cực lớn và nước dâng do bão ven biển gây ra.
Từ lâu, các nhà khoa học nghĩ rằng lũ lụt nghiêm trọng hơn dọc theo các bờ biển trũng thấp là chỉ do mực nước biển dâng cao, gây ra bởi biến đổi khí hậu làm tan băng ở vùng cực và nước biển ấm lên khiến nước dâng.
Nhưng giờ đây, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, kể từ năm 1960, ở các khu vực phía bắc của Vương quốc Anh, các cơn bão mạnh hơn và thường xuyên hơn trên Bắc Đại Tây Dương đã dẫn đến các đợt triều cường mạnh hơn. Hoạt động gia tăng của bão là nguyên nhân cho sự gia tăng lũ lụt do bão cực đoan cũng như mực nước biển dâng.
Tuy nhiên, chung quanh lục địa châu Âu, thời tiết dịu hơn đã loại bỏ tác động của triều cường do nước biển dâng từ năm 1960 đến năm 2018.
Tiến sĩ Francisco Calafat, Trung tâm Hải dương học Vương quốc Anh, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Hầu hết các quốc gia chỉ tính đến nguy cơ mực nước biển dâng và đều giả định khả năng nước dâng cực đoan sẽ không thay đổi". Ông cho rằng điều này có thể khiến các chính phủ đánh giá thấp lũ lụt trong tương lai.
Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nature Climate Change, nếu các nước châu Âu không thích ứng với nguy cơ lũ lụt ngày càng gia tăng, vào năm 2100, họ có thể phải đối mặt với thiệt hại hằng năm lên tới gần 1 nghìn tỷ euro (tức 1,1 nghìn tỷ USD). Vương quốc Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm khoảng 1/5 số thiệt hại đó.
Nhà hải dương học Michalis Vousdoukas thuộc Ủy ban châu Âu cho biết, hiểu nguồn gốc của bão "là điều cần thiết cho việc lập kế hoạch bảo vệ ven biển và các cộng đồng gần bờ".